Toàn cảnh buổi giao lưu |
Tham dự buổi giao lưu - tư vấn pháp luật trực tuyến hôm nay có:
- Luật sư Huỳnh Phương Nam - Văn phòng luật sư Huỳnh Nam
- Luật gia Phạm Thu Hương - Hội Luật gia TP Hà Nội
- Luật sư Nguyễn Quốc Việt - Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia TP Hà Nội
KHÁCH MỜI THAM DỰ-
Văn phòng luật sư Huỳnh Nam
Luật sư Huỳnh Phương Nam
-
Hội Luật gia Thành phố Hà Nội
Luật gia Phạm Thu Hương
-
Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Thành phố Hà Nội
Luật sư Nguyễn Quốc Việt
Chúng tôi mới kết hôn, nay chồng tôi đòi ly hôn. Vậy khi ly hôn chồng tôi có phải bồi thường tuổi thanh xuân cho tôi hay không?
- Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Nghiêm cấm yêu sách của cải trong kết hôn, đó là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc tự nguyện kết hôn của nam, nữ.
- Về nội dung bạn hỏi, khi ly hôn chồng bạn có phải bồi thường tuổi thanh xuân cho bạn hay không thì hiện nay Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Ly hôn có thể do hai bên thuận tình hoặc theo yêu cầu của một bên. Nếu trong thời gian chung sống giữa hai bạn có tạo lập, phát triển được tài sản chung thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho bạn. Theo quy định của Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Như vậy Luật chỉ có quy định về việc chia tài sản chung sau khi ly hôn, hoàn toàn không có luật về việc bồi thường tuổi xuân cho mỗi bên.
Tôi đang làm thủ tục mua nhà ở huyện Hoài Đức. Vợ tôi đang ở nước ngoài. Vậy một mình tôi có đứng ra mua được không hay phải có cả chữ ký của vợ tôi thì tôi mới mua được?
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Theo Điều 98 Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận: Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ tên vợ và họ tên chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 25 Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4-4-2014 của Bộ Công an về đăng ký xe thì: Xe là tài sản chung của vợ chồng thì chủ xe tự nguyện khai là tài sản chung của vợ chồng, phải ghi đầy đủ họ tên và chữ ký của vợ, chồng trong giấy khai đăng ký xe.
Như vậy, đối với những tài sản có giá trị lớn, pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, trong đó tài sản chung của vợ chồng sẽ được thể hiện cả tên vợ và chồng trên những giấy chứng nhận sở hữu, sử dụng và khi thực hiện các quyền đối với những tài sản chung này thì phải có sự đồng ý của cả vợ và chồng.
Trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp khi mua tài sản chỉ do một bên vợ chồng thực hiện. Tuy nhiên, khi giao dịch tiếp theo thì cơ quan chức năng vẫn yêu cùa phải có chữ ký của người vợ.
Các vụ chồng bạo hành vợ đang là tình trạng diễn ra thường xuyên. Việc xử lý các tình huống này về mặt quy định của pháp luật như thế nào?
Việc xử lý các vụ bạo hành này liên quan đến các quy định BLHS. Theo đó, mức độ xử lý có phụ thuộc hành vi, hậu quả cụ thể, ví dụ những hành vi có hậu quả nặng như gây thương tích, ảnh hưởng tính mạng có thể bị xử lý hình sự. Các hành vi ở một mức độ thấp hơn cũng có thể chỉ bị xử lý hành chính.
Tại Điều 61 Luật hôn nhân gia đình quy định: Chia tài sản trong trường họp vợ chồng sống chung với gia đình
- Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đinh mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Theo quy định của Pháp luật nêu trên, nếu bà có căn cứ bố mẹ chồng cho vợ chồng bà 35m2 quyền sử dụng đất thì tài sản Nhà đất vợ chồng bà đang sử dụng là tài sản chung vợ chồng được chia theo điều 59 luật hôn nhân gia đình. Trong trường hợp không chứng minh đươc bô mẹ cho quyền sử dụng đất bà chỉ được chia tài sản phần vợ chồng đóng góp để xây dựng ngôi nhà 03 tầng.
Tôi ly hôn với vợ khi con trai tôi mới 26 tháng tháng tuổi. Sau khi ly hôn vợ tôi là người trực tiếp nuôi con. Tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 02 triệu đồng. Nay vợ tôi lấy chồng khác để con cho ông bà ngoại nuôi dưỡng. Tôi muốn mang con gái về nuôi nhưng ông bà ngoại không đồng ý. Vậy tôi phải làm thể nào để được trực tiếp nuôi con?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Như bạn trình bày, vợ cũ của bạn để con lại cho ông bà ngoại chăm sóc là không được vì cháu bé vẫn còn bố. Nếu mẹ không có đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục con thì thay đổi người trực tiếp nuôi con. Bạn căn cứ vào Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định để thỏa thuận với vợ cũ của mình về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên phải hỏi ý kiến của cháu.
Trong trường hợp giữa hai người không thỏa thuận được bạn có thể yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Vợ chồng tôi ly hôn. Tôi được quyền nuôi con, chồng tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng tiền nuôi con mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bố cháu không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Tôi đã yêu cầu vì hoàn cảnh của tôi cũng khó khăn nhưng bố cháu vẫn trốn tránh. Vậy tôi phải làm thế nào?
Vợ chồng tôi mới sinh con gái đầu lòng được hơn 2 tháng tuổi. Vì bận công việc và làm các giấy tờ liên quan đến nhập hộ khẩu của vợ nên bây giờ tôi mới làm khai sinh và nhập hộ khẩu cho con được. Tuy nhiên khi tôi đi làm, cán bộ tư pháp yêu cầu lập biên bản xử phạt vì đi làm khai sinh cho con muộn. Tôi muốn biết mức phạt trong trường hợp này như thế nào?
Căn cứ Điều 15 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh:
“1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
2. Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.”
Do đó, trong trường hợp này, con bạn đã sinh được hơn 2 tháng nên bạn phải làm thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn cho con. Khi đó, mức phạt khi đăng ký khai sinh muộn được quy định tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày/24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã) quy định như sau:
“Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.”
Như vậy, nếu không đăng ký việc khai sinh đúng thời hạn quy định thì người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em sẽ bị xử phạt theo hình thức cảnh cáo.
Hiện nay tôi thấy có nhiều người nhận cha con, mẹ con mà tuổi của cha con và mẹ con không chênh lệch mấy mà cũng có trường hợp chênh nhau rất nhiều tuổi. Nếu nhận con nuôi thì cần những thủ tục gì để được pháp luật công nhận?
Theo quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi thì người được nhận làm con nuôi:
1. Trẻ em dưới 16 tuổi
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
- Về điều kiện đối với người nhận con nuôi, tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.
- Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
- Như vậy, nếu đủ các điều kiện trên thì hai bên đến UBND cấp xã nơi thường trú của người con nuôi hoặc nơi thường trú của người nhận con nuôi để làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi.
Chồng vay tiền để đi cờ bạc dẫn đến không trả được. Chủ nợ đến đòi vợ thì vợ có phải trả không?
Căn cứ Luật Hôn nhân & Gia đình 2014, Điều 37 quy định vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Trường hợp chồng vay tiền đánh bạc mà không có sự đồng ý của người vợ thì trách nhiệm trả nợ thuộc về người chồng thì chủ nợ không có quyền đòi nợ đối với người vợ. Trách nhiệm thuộc về quan hệ giữa người chồng với người cho vay.
Tôi là lao động cho một doanh nghiệp tư nhân có đóng bảo hiểm xã hội được 2 năm. Vậy khi vợ tôi sinh con thì tôi có được nghỉ chế độ do bảo hiểm xã hội chi trả không? Vợ tôi có đi làm và đóng bảo hiểm xã hội được 10 tháng.
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Khi đó người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Như vậy, bạn và vợ bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Đối với trường hợp bạn hỏi, căn cứ khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về thời gian nghỉ chế độ khi sinh con như sau:
Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Theo đó, thời gian bạn được nghỉ chế độ thai sản sẽ được áp dụng vào tùy từng trường hợp vợ bạn sinh con nêu trên. Thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Tôi lấy chồng đã được 8 năm và hai vợ chồng tôi sống cùng với bố mẹ chồng. Thời gian đầu chung sống hạnh phúc. Vợ chồng tôi có 1 con trai lớn 7 tuổi và con gái nhỏ 2 tuổi. Cuộc sống vợ chồng luôn xảy ra mâu thuẫn, chồng tôi thường xuyên đi bồ bịch, hiện tôi không thể chịu được nữa và muốn ly hôn, vậy tôi có thể đơn phương ly hôn được không? Khi ly hôn tôi muốn nuôi cả hai con có được không?
Đối với câu hỏi của bạn tôi xin trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Vấn đề ly hôn đơn phương được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình như sau: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Nếu bạn có đầy đủ căn cứ để chứng minh rằng cuộc sống vợ chồng không thể tiếp tục được nữa, cuộc hôn nhân đang lâm vào tình trạng trầm trọng thì bạn có quyền yêu cầu tòa án để được giải quyết đơn phương ly hôn.
Về việc nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn, Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, bạn có quyền nuôi con gái nhỏ 2 tuổi. Đối với con trai 7 tuổi thì phải xem xét, hỏi nguyện vọng của con muốn được ở với ai và tôn trọng ý nguyện của con. Dù con có muốn ở với mẹ hay không thì tôi tin chúng ta sẽ vẫn làm những điều tốt nhất cho con.
Khi kết hôn vợ chồng tôi ở cùng mẹ tôi. Trong thời gian này mẹ tôi cũng tiết kiệm và xây dựng lại ngôi nhà từ cấp 4 thành nhà 4 tầng. Giấy tờ nhà đất đều đứng tên mẹ tôi. Vợ chồng tôi tiết kiệm và mua được một ngôi nhà ở Long Biên. Nay vợ chồng tôi ly hôn. Vợ chồng tôi đã thỏa thuận về tài sản là ngôi nhà ở Long Biên. Tòa sơ thẩm đã xử. Sau đó cô ấy kháng cáo lên tòa án thành phố để đòi quyền lợi ở ngôi nhà của mẹ tôi. Tôi muốn biết quyền lợi của cô ấy đến đâu?
Khoản 1 Điều 61 Luật HNGĐ năm 2014 quy định về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình: “Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Tuy nhiên trong thực tế, nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì gây khó khăn nhiều, bởi sự đóng góp của người vợ rất khó đánh giá. Đây là điều bất lợi cho người phụ nữ trong trường hợp này.
Tuy nhiên, theo quy định Theo quy định tại điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Vì vậy, để yêu cầu Tòa án chia quyền lợi ở nhà của mẹ chồng thì người vợ phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho công sức đóng góp của mình đối với ngôi nhà này.
Việc ngoại tình có bị xử lý hình sự hay không thì hành vi đó phải được quy định trong BLHS.
Pháp luật hiện hành quy định về Tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999, và từ 01/01/2018, khi BLHS 2015 có HL,Điều 182, xử lý đối với Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Luật sư Huỳnh Phương Nam trả lời câu hỏi của độc giả. |
Trường hợp phạm tội Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Hành vi “Chung sống như vợ chồng với người khác” được giải thích tại Khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là “việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”.
Trước đây, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 cũng giải thích: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”
Trường hợp nam nữ có quan hệ tình cảm, lén lút đi nhà nghỉ với nhau mà không thuộc trường hợp chung sống như vợ chồng nêu trên thì không cấu thành tội phạm, không dẫn đến việc bị đi tù.
Bố mẹ chồng tôi có căn hộ chung cư rộng hơn 70m2. Từ khi về làm dâu tôi vẫn ở cùng ông bà ở căn nhà này. Bố mẹ chồng tôi có 2 người con gồm chị gái chồng tôi và tôi. Chị gái đã lấy chồng và ở với gia đình nhà chồng. Năm 2010 bố mẹ chồng tôi có lập di chúc chung để lại căn nhà nêu trên cho chồng tôi. Đến năm 2012 mẹ chồng tôi mất, bố chồng tôi vẫn đang sống cùng vợ chồng tôi tại căn nhà trên. Vậy tôi muốn hỏi di chúc chung của bố mẹ chồng tôi có được pháp luật thừa nhận không? Nay bố tôi muốn thay đổi lại nội dung di chúc có được không?
Điều kiện để kết hôn với người nước ngoài. Cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài?
Tôi lấy chồng 12 năm nay. Từ khi về làm dâu vợ chồng tôi sống riêng nhà do bố mẹ chồng mua cho chồng tôi trước khi chúng tôi cưới. Hiện vợ chồng tôi đang chuẩn bị ly hôn nhưng trước mắt tôi không có nhà, bố mẹ thì ở xa, tôi còn công việc phải đi làm. Nếu chia tài sản tôi có được hưởng đối với tài sản này không? Tôi muốn được ở lại nhà này một thời gian ngắn để đi tìm chỗ ở mới có được không?