Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Mong tiếp thêm tình yêu Toán học đến giới trẻ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuốn truyện "toán hiệp" đầu tay của GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Nguyễn Phương Văn mang tên "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" vừa mới xuất bản vài tháng, nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

   GS Ngô Bảo Châu đã trò chuyện hết sức tâm đắc và hồ hởi xung quanh việc viết cuốn sách độc đáo này.

Là một Nhà Toán học, ông đã kết hợp ngôn ngữ toán và ngôn ngữ văn chương như thế nào để cuốn sách có được dấu ấn đặc biệt và độc giả có thể cảm nhận đúng nội dung câu chuyện?

- Khi bắt đầu viết cuốn sách, tham vọng chuyển tải ý tưởng toán học qua văn học của tôi tương đối lớn. Để cuốn sách thành công như hôm nay, tôi nghĩ có công rất lớn của anh Nguyễn Phương Văn. Bởi sự kết hợp ngôn ngữ toán học và ngôn ngữ văn học trong cuốn sách là sự kết hợp ngôn ngữ của tôi và anh Phương Văn. Từ thời kỳ sơ khởi của toán học có Ơclit, Pitago,… những vĩ nhân ấy rất khó có thể mô tả vào trang sách. Nên chúng tôi đã kể chuyện với ngôn ngữ trong sáng, giản dị để cho các em nhỏ cũng có thể hiểu được nội dung cuốn sách.

Ông đã nhận được những phản hồi như thế nào từ cuốn sách?

- Đối với cuốn sách này, có cả phản hồi tích cực và không tích cực. Có một số em nhỏ đọc cuốn sách và nói không hiểu gì, nhưng tranh rất đẹp. Có em khác lại nói rằng bản thân không đọc sách bao giờ hoặc đọc thì phải "ngâm" rất lâu, nhưng với cuốn sách này lại đọc một cách "ngấu nghiến" trong 2 - 3 ngày. Tất cả những ý kiến đó phụ thuộc rất lớn vào sự cộng hưởng của độc giả với cuốn sách.

Có vẻ như ông đang muốn viết lịch sử Toán học qua câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của các  nhân vật trong cuốn truyện?

- Nói như vậy vừa đúng vừa không đúng, vì nếu viết lịch sử Toán học đòi hỏi một sự nghiêm túc như kiểm chứng về thời gian, không gian… Nhưng cuốn sách này lại có sự hư cấu các câu chuyện, nhân vật. Tuy nhiên, tôi vẫn trung thành với các sự kiện có thật trong lịch sử. Mặt khác, trong cuốn sách này, ngoài việc sắp xếp lại những câu chuyện trong lịch sử của Toán học, còn có những câu chuyện triết lý của riêng tôi và những câu chuyện tôi tâm đắc. Hơn nữa, trong lịch sử Toán học, hầu hết các sự kiện, nhà khoa học không xuất hiện trong cùng một thời điểm. Việc xây dựng lại các nhân vật trong cùng một khoảng thời gian nhất định như trong cuốn sách là một sự hư cấu.

Phải chăng tác phẩm này mang kỳ vọng tiếp thêm tình yêu và sự say mê cho độc giả trẻ với môn Toán bằng cách dẫn dắt họ qua những cột mốc lớn nhất của nền văn minh Toán học của loài người?

- Đó chính là tham vọng của tôi khi viết cuốn sách này, nhưng tôi không chắc sẽ làm được điều đó. Tuy nhiên, nhiều em nhỏ nói với tôi rằng họ cũng muốn giống như các nhân vật trong truyện, một cuộc sống không có buồn vui, như đang mộng du với giấc mơ Toán học. Một cuộc sống như trong cổ tích với niềm đam mê Toán học, được ăn, được ngủ với nó.

Ông có suy nghĩ gì khi giới trẻ đặt nhiều kỳ vọng và niềm tin vào ông?

- Tôi đã phải nỗ lực hết mình và rất khó khăn để đạt được giải thưởng Fields cách đây 2 năm. Tôi vẫn luôn cố gắng để xứng đáng với niềm tin đó, thể hiện ở những công việc cụ thể như viết sách, giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Tôi không để niềm tin ấy đến, rồi tự tan một cách phù du và phù phiếm.

Cuốn sách có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống của ông?

"Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" là cuốn "tiểu thuyết Toán hiệp" của GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Nguyễn Phương Văn về Toán học nhưng bằng một hình thức truyện kể văn học sinh động và trí tuệ, nhằm tiếp thêm tình yêu, sự say mê cho độc giả trẻ đối với môn Toán.

- Ý nghĩa lớn nhất của cuốn sách là nó xuất phát từ tình bạn của tôi và nhà văn Nguyễn Phương Văn. Chúng tôi  muốn làm sao để tình bạn đẹp ấy được hiện hữu bằng một sản phẩm cụ thể, dựa trên công sức của cả hai người. Và chúng tôi đã làm được điều đó. Hơn nữa, viết sách giúp tôi bước qua những khó khăn trong cuộc sống. Vì có những chuyện không tâm sự được với ai tôi đem viết sách, như vậy sẽ thoải mái hơn rất nhiều.

Anh có muốn đưa cuốn sách này trở thành tài liệu tham khảo chính thống trong các trường học?

- Tôi chỉ hy vọng cuốn sách đi vào lòng thiếu nhi một cách tự nhiên nhất, chứ không phải theo một cách gượng ép nào đó.

Hiện nay, rất nhiều học sinh sợ môn Toán. Anh có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh để giúp trẻ yêu thích Toán học?

- Tôi nghĩ quá trình học phải là quá trình đối thoại. Đó không phải là quá trình phi nhân cách, phi nhân bản. Vì vậy, khi học cần có sự yêu thương, kính trọng với người dạy dỗ thì mới khơi gợi được tình yêu với môn học. Tôi không muốn đưa ra lời khuyên bởi cá nhân tôi không dám chắc mình đã làm tốt cương vị, vai trò của một người cha. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, muốn dạy con thì trước hết phải dành nhiều thời gian hơn cho con, để đối thoại và chia sẻ với chúng.

Xin ông chia sẻ những dự định trong tương lai?

- Năm tới, tôi sẽ tiếp tục cố gắng có những khám phá  mới. Tôi muốn làm tốt hơn vai trò người thầy. Ngoài ra, tôi sẽ viết tiếp phần 2 cuốn sách "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình", vì cuốn sách lần này chúng tôi để kết thúc mở. Phần sau, cuốn sách sẽ viết tiếp chuyến phiêu lưu của Ai và Ky ở mảnh đất hình chữ S.

Xin cảm ơn ông!