Trong chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ, chiều 12/8, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đã có buổi thuyết trình tại Trung tâm Habitat Ấn Độ (India Habitat Centre) về chủ đề “Tình hình chính trị mới và trật tự kinh tế châu Á” (New political situation and economic order in Asia).
Đông đảo các chính khách, nhà nghiên cứu, học giả, nhà báo, phóng viên Ấn Độ, cùng Đại sứ Lào, Campuchia, đại diện ngoại giao đoàn các nước, Đại sứ Nguyễn Thanh Tân cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán đã tới nghe thuyết trình của Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng thuyết trình về chủ đề Tình hình chính trị mới và trật tự kinh tế châu Á." (Ảnh: Minh Lý/Vietnam+)
|
Trong bài thuyết trình, giáo sư Nguyễn Xuân Thắng đã phân tích tác động của các cuộc khủng hoảng chính trị đối với nền kinh tế thế giới và khu vực.
Giáo sư cho biết tiến trình toàn cầu hóa đã giúp nhiều nước đang phát triển có cơ hội tăng trưởng nhanh, thậm chí theo kịp các nước phát triển. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, xuất phát từ Mỹ đã lan rộng ra toàn thế giới. Sau cuộc khủng hoảng đó, kinh tế thế giới đã dần điều chỉnh từ giai đoạn tăng trưởng không bền vững trở về quỹ đạo tăng trưởng cân bằng hơn.
Cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội tại Bắc Phi-Trung Đông, và gần đây là cuộc khủng hoảng tại Ukraine, các vấn đề an ninh phi truyền thống, tình trạng biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế từng khu vực nói riêng, trong đó có châu Á.
Theo giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, trật tự kinh tế tại châu Á được phân thành những nhóm đáng chú ý gồm các nền kinh tế lớn: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc; các nền kinh tế mới nổi: Trung Quốc, Ấn Độ; các nền công nghiệp hóa mới; và các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong hệ thống kinh tế thế giới đã diễn ra những chuyến dịch lớn.
Năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cùng với Trung Quốc là sự nổi lên của Ấn Độ, Nga, Brazil và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác. Brazil đã vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới cuối năm 2011.
Các nước mới nổi đang dựa vào sức mạnh kinh tế và tài chính để tỏ rõ quan điểm và quyết tâm thiết lập lại các mối quan hệ quốc tế. Các cơ chế như G20 có tầm quan trọng ngày càng lớn hơn. Cục diện này cho thấy làn sóng sức mạnh đang dịch chuyển từ khu vực “ngoại vi” vào “trung tâm,” kéo theo những va chạm lợi ích giữa các nhóm nước...
Hiện tại là giai đoạn bản lề của các thỏa thuận thương mại quan trọng. Các thành viên đàm phán về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khẳng định sẽ hoàn tất tiến trình đàm phán trong năm 2014 để có một hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích của các bên.
Trong khi đó, ASEAN và các bên đối tác (ASEAN+6) đã xúc tiến đàm phán hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với trọng tâm là thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng đánh giá với đà phát triển kinh tế khá nhanh, tiềm lực quân sự và công nghệ mạnh, cùng với việc thúc đẩy chính sách “hướng Đông,” Ấn Độ ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trong thập niên tới, có nhiều khả năng Ấn Độ sẽ trở thành một trong bốn nền kinh tế hàng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Do đó, Ấn Độ sẽ can dự nhiều hơn vào các vấn đề an ninh của Đông Nam Á, nhất là an ninh hàng hải và tiếp tục là một nhân tố quan trọng trong xác lập trật tự quyền lực tại châu Á-Thái Bình Dương.
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các nhà đầu tư Ấn Độ đã có nhiều dự án lớn tại Việt Nam. Hai nước sẽ mở rộng quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, giáo dục và công nghệ thông tin, đi vào những lĩnh vực hợp tác cụ thể như hạ tầng, quản lý và đào tạo.