KTĐT - Sáng nay 27/4, binh sỹ Thái Lan và Campuchia lại đụng độ ở khu vực biên giới gần đền Ta Moan Thom và Ta Krabek, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp xảy ra giao tranh gây nhiều thương vong cho cả hai bên.
Cả Thái Lan và Campuchia đều cáo buộc nhau gây ra làn sóng xung đột mới này.
Theo người phát ngôn quân đội Thái Lan, Đại tá Sansern Kaewkamnerd, vụ đụng độ mới nói trên xảy ra vào khoảng 5h30 sáng và kéo dài 30 phút. Nguồn tin Campuchia cho biết quân đội nước này đã bắt đầu sử dụng hỏa tiễn hạng nặng để bắn trả đối phương.
Ông Sansern cũng cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuvan đã hoãn kế hoạch đến Campuchia đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn ở biên giới. Theo ông Sansern, lý do của việc này là báo chí Campuchia đưa tin Thái Lan đã đồng ý đàm phán sau khi thừa nhận thất bại. Ông cho biết phía Thái Lan sẽ chờ một vài ngày cho tới khi Campuchia thể hiện sự chân thành mong muốn ngừng bắn.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 26/4 cho biết hai bên nhất trí Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuvan sẽ đến Campuchia để thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Tea Banh về lệnh ngừng bắn. Quyết định này được đưa ra theo đề xuất của ông Prawit trong cuộc điện đàm với ông Tea Banh.
Trong khi đó, phát biểu ngày 27/4 tại hội thảo của Hiệp hội Phụ nữ Campuchia vì hòa bình và phát triển, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng tranh chấp biên giới ở khu vực hai ngôi đền trên có thể được giải quyết qua thương lượng song phương.
Theo Thủ tướng Hun Sen, tranh chấp giữa hai nước ở khu vực đền Preah Vihear đã được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vì vậy hai bên phải tôn trọng vai trò của ASEAN, mọi cuộc đàm phán về các khu vực biên giới tranh chấp gần đền này phải có sự tham gia của bên thứ ba. Tuy nhiên, đối với các khu vực tranh chấp khác như đền Ta Moan Thom và Ta Krabek, hai bên có thể thương lượng song phương.
Ông Hun Sen cũng kêu gọi Thái Lan ngừng bắn, đồng thời khẳng định rằng Campuchia không muốn xung đột lan rộng và muốn giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực.
Ông cho biết Campuchia sẽ đưa vấn đề này ra Hội nghị Cấp cao ASEAN dự kiến diễn ra ngày 7-8/5 tới tại Jakarta (Indonesia). Thủ tướng Campuchia cũng kêu gọi Indonesia, nước hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN, cử quan sát viên tới khu vực biên giới đang tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan để giám sát ngừng bắn.
Chính phủ Lào đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến ở biên giới Thái Lan-Campuchia, đồng thời kêu gọi tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng bày tỏ "lo ngại về cuộc xung đột hiện nay giữa hai nước Đông Nam Á” và hy vọng hai bên sẽ sớm giải quyết được xung đột thông qua các nỗ lực hòa giải của ASEAN và nước Chủ tịch Indonesia./.