Chép vàng vẫn theo dòng chảy nhiều năm nay, từ chợ - vào túi nilon về nhà gia chủ - rồi ra sông, hồ. Nhưng năm nay, cảnh tượng nilon lả tả bay trên đường bên sông, hồ, vương mắc cả trên cành cây… đã vắng hẳn.
Còn nhớ độ này mỗi năm, người đô thị thường chứng kiến những đêm 23 bập bùng lửa hóa mã, lả tả tàn tro bay. Chứng kiến cả những cảnh tượng người người nối đuôi nhau đứng trên cầu dốc túi thả cá xuống sông, rồi thả bay theo gió cả túi nilon đựng cá. Có người “lười biếng” đến độ không nỡ tắt máy, dựng xe đến bên thành cầu, mà ngồi nguyên trên yên chiếc xe còn đang phừng phừng tiếng động cơ, ném túi cá qua thành cầu xuống sông Hồng, sông Nhuệ, Hồ Gươm, Hồ Tây, hồ Thiên Quang, hồ Văn Quán, từng có những lần cá vàng phơi bụng trên mặt hồ, nilon lả tả trên vệ cỏ, trên đường. Chả trách vì sao các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cứ không ngớt lên tiếng phê phán kiểu phóng sinh vô lối, sự vô ý thức của người thả cá, sự đua đòi thể hiện lòng thành bằng vàng mã… làm mất đi ý nghĩa tinh tế của một phong tục đẹp của người Việt.Nhưng năm nay, người Hà thành lại có thêm cụm từ “cá đu dây” trong ngày tiễn ông Táo về Trời, nghe có vẻ buồn cười nhưng thật gần gũi và ấm áp. Bởi phong tục đẹp đã được níu giữ bằng một hành động tưởng nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa. Các tình nguyện viên trẻ tuổi đã chia nhau đứng ở các khu vực sông, hồ - nơi có nhiều người dân mang cá chép ra thả, để hỗ trợ thả cá và thu gom rác thải. Điển hình nhất là khu vực cầu Long Biên, các tình nguyện viên chia làm 2 khu vực hoạt động, một ở trên cầu giúp người dân thả cá, một ở dưới chân cầu làm nhiệm vụ hỗ trợ, thu dọn rác thải. Mỗi khi có người dân muốn thả cá, ngay lập tức các bạn tình nguyện đến, đem cá đổ vào chiếc xô buộc dây đã được chuẩn bị từ trước rồi từ từ thả xuống sông để cá không bị tổn thương. Những tấm biển sắc màu “Thả cá đừng thả túi nilon!”, những khuôn mặt tình nguyện rạng rỡ trong cái buốt lạnh của mùa Đông không chỉ làm ấm lòng người đô thị, mà còn một lời nhắc hữu hiệu cho hành động bảo vệ môi trường. Đấy là một lời nhắc về ý thức đầy ý nghĩa giữa buổi cả TP đang nỗ lực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.Những lời nhắc khéo, những hành động đẹp, những nụ cười ấm áp giữa giá rét mùa Đông ấy đã được khơi nguồn từ 2 năm, nhưng quả là đến ngày ông Công ông Táo năm nay mới thấy rõ tác dụng. Đúng là mưa dầm thấm lâu, thay đổi ý thức, thay đổi một thói quen luôn cần sự bền bỉ, kiên trì. Chưa hẳn đã hết những hình ảnh buồn trong việc thực hành phong tục này ở Hà Nội, nhưng cũng giống như việc vận động không thắp hương khi đến lễ ở các đình chùa, ý thức của người Hà Nội trong việc thả cá ngày tiễn ông Công, ông Táo về chầu Trời sẽ thay đổi, góp phần gìn giữ một phong tục đẹp của người Việt để đón một năm mới bình an bắt đầu.