Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gìn giữ văn hóa cồng chiêng xứ Mường

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc, những năm qua, huyện Quốc Oai đặc biệt chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trọng tâm là nghệ thuật cồng chiêng.

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất đồi gò thuộc xã Phú Mãn, tuy nhiên, cách nay vài tháng, chị Đinh Thị Thùy Dung mới lần đầu biết chơi cồng chiêng một cách bài bản. “Từ trước đến nay tôi chỉ biết cồng chiêng qua lời dạy, truyền miệng của ông bà, cha mẹ. Chỉ sau khi tham gia lớp tập huấn đánh cồng chiêng do Phòng Dân tộc huyện tổ chức mới đây, tôi mới hiểu thêm nhiều câu chuyện gắn liền với văn hóa cồng chiêng, cũng như cách thức sử dụng loại nhạc cụ này một cách đầy đủ nhất” - chị Dung cho hay.

Học viên là đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quốc Oai tham gia lớp tập huấn

đánh cồng chiêng. Ảnh: Trọng Tùng

Chị Đinh Thị Thùy Dung chỉ là một trong số hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hai xã miền núi Đông Xuân và Phú Mãn (huyện Quốc Oai) đã được “mở mang” vốn hiểu biết về văn hóa cồng chiêng thông qua các lớp tập huấn. Ông Bùi Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường - giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy cho biết: Không chỉ được hiểu thêm về cách thức sử dụng, biểu diễn những bài cồng chiêng, các học viên còn được hướng dẫn tỉ mỉ từ việc đội khăn bướng, mặc áo pắn, đeo chạc tét (dây lưng)… sao cho đúng, cho đẹp! Điều đáng ghi nhận là học viên tham gia các lớp tập huấn phần lớn là thanh niên nam nữ người đồng bào dân tộc có tuổi đời còn rất trẻ. Đây hứa hẹn sẽ là đội ngũ kế cận góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật cồng chiêng nói riêng, để các giá trị văn hóa xứ Mường nói chung trường tồn với thời gian.
Tiếp tục nhân rộng cách làm hay
Sự phát triển của xã hội hiện đại khiến nguy cơ văn hóa cồng chiêng bị mai một hiện hữu ngày một rõ nét qua việc nhiều bản nhạc chiêng đến nay đã bị lãng quên. Nhận thức được vấn đề này, để bảo tồn và lưu giữ loại hình văn hóa truyền thống này, từ đầu năm 2016, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo phòng Dân tộc huyện mua sắm cồng chiêng, mời các giảng viên, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường về giảng dạy lý thuyết, hướng dẫn cách thức bảo quản và sử dụng nhạc cụ. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Quốc Oai cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Quốc Oai đã tổ chức được 3 lớp tập huấn đánh cồng chiêng cho  đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến, lớp tập huấn thứ 4 sẽ được tổ chức trong tháng 11/2016. Không chỉ dừng lại ở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, Phòng Dân tộc huyện Quốc Oai còn tổ chức đưa các đội cồng chiêng của địa phương đi giao lưu, biểu diễn với mục tiêu học hỏi từ các đội, câu lạc bộ cồng chiêng Mường thuộc tỉnh Hòa Bình. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để đồng bào dân tộc Mường huyện Quốc Oai dung nạp thêm nhiều kiến thức bổ ích, thêm yêu loại hình văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc này...
Theo ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội, cả 5 huyện với 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn Thủ đô đều có dân tộc Mường sinh sống. Tuy nhiên, huyện Quốc Oai là địa phương đang có cách thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Mường, trong đó có cồng chiêng bài bản và dụng công nhất. Thời gian tới, Ban Dân tộc TP sẽ tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng cách làm hay, có hiệu quả của huyện Quốc Oai, không chỉ đối với công tác bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng, mà còn với các loại hình văn hóa truyền thống khác của vùng đồng bào dân tộc nói chung. Ông Vinh cũng chia sẻ, gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm, song hành cùng nỗ lực cải thiện đời sống cho vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô.