Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giới đầu tư ồ ạt bắt đáy cổ phiếu, chứng khoán Mỹ xanh rực

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ khi nhà đầu tư kỳ vọng vào đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong năm 2024.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 9/9, chỉ số Dow Jones leo dốc 484,18 điểm, tương đương tăng 1,2%, chốt ở mức 40.829,59 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,16%, đạt 5.471,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,16%, đạt 16.884,6 điểm.

Chuỗi phiên bán tháo vào tuần trước khiến chứng khoán Mỹ chứng kiến tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Chỉ số Dow Jones đã mất hơn 1.200 điểm trong tuần trước. S&P 500 giảm liền 4 phiên liên tiếp và ghi nhận tuần giao dịch tệ nhất kể từ tháng 3/2023. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite có tuần giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm.

Mức tăng 3,5% của cổ phiếu Nvidia đã tạo lực đẩy cho Nasdaq Composite. Tuần trước, cổ phiếu hãng chip này từng sụt tới 14%.

Ngoài lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu bán lẻ, ngân hàng và công nghiệp cũng hồi phục khi thị trường tin việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng đang suy yếu.

Cổ phiếu JPMorgan Chase, Costco, Amazon và Boeing đều đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần. 

Cổ phiếu Palantir và Dell Technologies cũng lần lượt tăng 14% và 3,8% sau khi S&P Dow Jones Indices thông báo vào cuối tuần trước rằng hai công ty này sẽ gia nhập chỉ số S&P 500.

Cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ, công nghiệp và tài chính đã nâng đỡ thị trường trong phiên ngày 9/9. 

Nhà quản lý quỹ Sarat Sethi của Công ty Douglas C. Lane & Associates nhận định: “Tôi tin rằng thị trường đang có một sự phục hồi ngắn hạn sau khi đã bán quá nhiều trong tuần trước. Tuy nhiên, giới đầu tư đang rất chú trọng vào sức khỏe nền kinh tế hiện tại, thay vì lạm phát và triển vọng kinh tế tương lai”.

Theo vị chuyên gia này, khi các yếu tố khó đoán bắt đầu tăng lên, điều đầu tiên nhà đầu tư làm sẽ là chốt lời, đặc biệt là khi thị trường đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. 

Trong khi đó, chiến lược gia đầu tư Mona Mahajan tại công ty Edward Jones cho rằng các cổ phiếu vốn dẫn đầu đà tăng mạnh trên sàn Phố Wall trong nhứng tháng gần đây như nhóm công nghệ vốn hóa lớn có thể sẽ không tiếp tục chứng kiến xu hướng khởi sắc như vậy trong tương lai.

Tuần này, nhà đầu tư hướng sự quan tâm đến hai báo cáo lạm phát có thể định hình rõ hơn về quyết định lãi suất của Fed vào ngày 18/9. Đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), dự kiến được Bộ Lao động Mỹ lần lượt công bố vào ngày thứ Tư và thứ Năm.

Thị trường đang đặt cược chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách từ ngày 17-18/9.

Theo ngân hàng Barclays, giới chức Fed khó có thể đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất với mức 0,5% trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.

"Thị trường việc làm của Mỹ hiện chưa bất ổn đến mức Fed buộc phải nới lỏng chính sách mạnh tay hơn trong thời gian tới. Chúng tôi vẫn tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất với mức 0,25% tại ba cuộc họp chính sách tiếp theo, sau đó có thêm 3 đợt hạ lãi suất nữa trong  năm 2025" – nhà phân tích Ben McLannahan của ngân hàng Barclays.

Tuần trước đánh dấu sự khởi đầu kém suôn sẻ của chứng khoán Mỹ trong tháng 9 – thời điểm mà thị trường có khuynh hướng gặp nhiều khó khăn. Giới đầu tư một mặt lo nền kinh tế Mỹ suy yếu, mặt khác lo Fed có thể chậm trễ trong việc hạ lãi suất.