Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giới thiệu di sản thực hành then và làm gốm Chăm tại Hà Nội

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 27 - 29/12, sẽ diễn ra Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tại Hà Nội.

Chương trình do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – Bộ VHTT&DL) tổ chức, sẽ giới thiệu các giá trị nổi bật của di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gồm “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.

Trình diễn di sản thực hành then tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) tháng 11/2024. Ảnh: Đình Toán
Trình diễn di sản thực hành then tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) tháng 11/2024. Ảnh: Đình Toán

Bên cạnh hoạt động trưng bày, Trung tâm Thông tin du lịch cũng mời nghệ nhân từ các địa phương đến giao lưu, trình diễn về hai di sản văn hóa phi vật thể này. Đồng thời tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng sở hữu di sản và du khách gắn với mục tiêu quảng bá, phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo Ban Tổ chức, đây là cơ hội để quảng bá các di sản văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngay giữa lòng Thủ đô, đưa di sản đến gần hơn với Nhân dân, du khách trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Trước đó, năm 2023, Trung tâm Thông tin du lịch đã tổ chức chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và “Nghệ thuật xòe Thái”.