Đây là giống lúa thơm chất lượng cao do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - Bộ NN&PTNT) nghiên cứu, phát triển.
|
Hội nghị khảo nghiệm sản xuất giống lúa HDT10 tại huyện Đông Anh. |
Vụ Xuân năm 2017, gia đình chị Dương Thị Xuyến (thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh) canh tác hơn 2 sào lúa giống HDT10. Chỉ còn ít ngày nữa, gia đình chị sẽ thu hoạch vụ lúa với giống mới đầu tiên. Theo đánh giá cảm quan của chị Xuyến, giống lúa HDT10 cho cây cứng cáp, lá dày, nhiều dảnh, bông lúa dài, hạt xếp xít, tỷ lệ hạt chắc cao; đặc biệt là khả năng kháng sâu bệnh vượt trội so với một số giống lúa từng trồng trước đây. Chỉ tính riêng tại xã Liên Hà, vụ Xuân năm 2017, người dân trồng thí điểm giống lúa HDT10 trên tổng diện tích 1,5ha. Ghi nhận cho thấy, thời gian sinh trưởng, phát triển của giống lúa thơm mới trung bình chỉ khoảng 135 ngày, ngắn hơn so với một số giống lúa hiện được trồng phổ biến.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên giống lúa HDT10 được đưa vào khảo nghiệm sản xuất. Ông Nguyễn Duy Thuận - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) cho biết, vụ Mùa năm 2016, đơn vị tiến hành canh tác khoảng 1,5ha giống lúa HDT10. Kết quả thu hoạch cho năng suất đạt trên 2,7 - 3 tạ/sào, tức khoảng 7,5 - 8 tấn/ha. Không chỉ vậy, HDT10 cũng “dễ làm” và cho chất lượng hạt gạo không thua kém những giống lúa đang được trồng khá phổ biến hiện nay như BT7, TBR 225 hay HT1…
|
Khảo nghiệm thí điểm tại một số vùng sinh thái phía Bắc. |
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Vận - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Hưng (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), trước đây, đơn vị thường sử dụng giống Kháng Dân và BT7. Tuy nhiên, vụ Xuân năm 2017, đang thí điểm canh tác 3 sào lúa giống HDT10. Căn cứ trên tỷ lệ đẻ nhánh, xếp hạt, sơ bộ đánh giá năng suất có thể đạt khoảng 7 - 8 tấn/ha (trong điều kiện thời tiết thuận lợi).
Theo ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Công ty HADICO, từ năm 2012, đơn vị đã có sự quan sát và đánh giá giống lúa thơm HDT10 trong hệ thống khảo nghiệm Quốc gia và sản xuất thí điểm tại một số vùng sinh thái phía Bắc. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giống lúa HDT10 thể hiện là giống lúa ngắn ngày, cho năng suất đạt khá cao (trung bình trên 6,5 tấn/ha), đặc biệt tại một số điểm cho năng suất đạt 7,5 - 8 tấn/ha, tức là cao hơn từ 10 - 20% so với một số giống lúa hiện được trồng phổ biến hiện nay như HT1, BT7... Bên ạnh đó, giống lúa thơm HDT10 cũng ít nhiễm sâu bệnh hại, đặc biệt là tình trạng bạc lá trong vụ mùa. Chất lượng gạo của giống lúa HDT 10 được đánh giá rất tích cực: Hạt gạo dai, trắng trong; Tỷ lệ gạo xát và gạo nguyên cao; Cơm mềm, có mùi thơm nhẹ, vị đậm và ngon không kém giống lúa BT7. Cùng với đó, HDT 10 có khả năng chống đổ khá và chịu rét tốt.
|
HDT10 cho năng suất vượt trội cùng nhiều ưu điểm tốt hơn |
Đánh giá về giống lúa HDT10, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, HDT10 cho năng suất vượt trội cùng nhiều ưu điểm tốt hơn so với một số giống lúa hiện đang được trồng phổ biến. Điểm thua kém duy nhất hiện nay của HDT10 là mùi thơm của cơm chưa bằng giống BT7. Tuy nhiên, ông Trần Đình Long Long cũng hết sức lạc quan khi cho rằng, HDT10 phù hợp cho sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao tại các tỉnh phía Bắc.