Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ chân người tài

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công chức, viên chức xin thôi việc có xu hướng gia tăng đang là vấn đề khiến các nhà quản lý “đau đầu” và dư luận rất ngạc nhiên, bởi từ trước tới nay chưa từng xảy ra "làn sóng" ồ ạt như vậy.

Giải quyết thủ tục hành chính tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Thọ
Giải quyết thủ tục hành chính tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Thọ

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã phải có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc khắc phục tình trạng này. Nhiều giải pháp đã được nêu ra, vướng mắc được đề xuất giải quyết. Tuy nhiên, điều nhiều người đề cập đến chính là phải tạo được môi trường làm việc để cán bộ, công chức thực sự thấy gắn bó với công việc và phát huy cao nhất năng lực bản thân.

Thời gian gần đây, hiện tượng "rời công, sang tư" của cán bộ, công chức, viên chức liên tục được nói đến với xu hướng tăng lên. Chuyện dịch chuyển công việc, giảm số lượng công chức, viên chức âu cũng là tất yếu. Tuy nhiên, đáng nói là trong những người bỏ việc, thôi việc thì người có năng lực và trình độ chuyên môn tốt chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Những con số thống kê dù chưa đầy đủ khiến không ít người giật mình, như tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, có đến 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, trong 6 tháng, có 9.680 nhân viên xin thôi việc hoặc bỏ việc… Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, người đứng đầu ngành Tài chính cũng thể hiện lo lắng khi có cả vụ phó, trưởng phòng xin nghỉ việc.

Nguyên nhân có nhiều, cả khách quan và chủ quan, nhưng trên hết, có 3 nguyên nhân chính, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc. Thực tế, không ít công chức, viên chức cảm thấy quá tải với công việc phải đảm nhận, họ làm từ sáng đến khuya vẫn chưa hết việc; trong khi nguồn thu nhập thấp, chưa tương thích với vị trí việc làm, chưa đảm bảo đời sống bản thân và gia đình họ; rồi điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, áp lực từ nhiều phía càng khiến công việc trở thành gánh nặng. Trong khi việc làm ở khu vực tư được đánh giá sôi động hơn, thu nhập cao hơn, môi trường hấp dẫn nên sự chuyển dịch âu cũng là điều dễ hiểu.

Cũng từ câu chuyện này, nhìn lại việc thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao của một số địa phương trong những năm qua đã không được hiệu quả như mong muốn. Như chia sẻ của chính những người trong cuộc, ngoài vấn đề áp lực công việc, tiền lương, thì môi trường làm việc để họ phát huy được năng lực của bản thân, không cảm thấy nhàm chán chính là yếu tố quan trọng trong quyết định của nhiều người.

Bởi thế, muốn giữ người tốt, người giỏi trong hệ thống các đơn vị công, không còn cách nào khác là phải khắc phục những hạn chế, đổi mới mạnh mẽ nhiều vấn đề, trong đó có môi trường làm việc. Trong văn bản Bộ Nội vụ vừa gửi các bộ, địa phương, nhiều giải pháp đã được đề ra như cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, Bộ cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ. Đồng thời có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Hy vọng rằng, trên cơ sở đánh giá thực tiễn, việc sớm thực thi các giải pháp để từ đổi mới chế độ tiền lương, minh bạch quá trình thi tuyển cán bộ, đến bố trí đúng năng lực, trình độ, đổi mới việc quản trị; có cơ chế khuyến khích người giỏi, người có năng lực… Chỉ như vậy, cán bộ, công chức có năng lực mới yên tâm cống hiến và tự hào với công việc của mình; không bị nản lòng vì lương thấp, việc nhiều và môi trường làm việc thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, thiếu sự công bằng, minh bạch.