Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ nghề truyền thống bằng công nghệ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ nhanh nhạy đưa công nghệ vào sản xuất, anh Nguyễn Quang Nam - chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công, thôn Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã chủ động được sản xuất, tăng thu nhập.

 Anh Nguyễn Quang Nam đang kiểm tra các phên bánh đa nem mới ra lò. Ảnh: Nguyễn Nga

Sinh ra và lớn lên tại làng nghề bánh đa nem Ngự Câu, từ nhỏ anh Nam đã chứng kiến nỗi vất vả của người dân làm nghề. Theo anh Nam, thời còn tráng bánh bằng tay, mỗi ngày người dân đều phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng nhưng cũng chỉ làm được 5kg bánh. Trong đó, vất vả nhất là khâu phơi bánh. Khi bánh vừa ra lò còn ướt sẽ được chuyển đi phơi ở khắp các đường làng, ngõ xóm, bờ đê… nên khó tránh khỏi bụi bặm, côn trùng bám vào. Chưa kể mỗi khi trời mưa bất chợt, những phên bánh chưa đủ nắng phải đem lột bỏ cho lợn, gà ăn. Làm việc vất vả nhưng thu nhập không ổn định nên số người làm nghề cứ rơi rụng dần, hiện cả làng chỉ còn 16 hộ bám trụ với nghề truyền thống.

Không cam chịu nhìn làng nghề mai một nghề truyền thống, năm 2016, anh Nguyễn Quang Nam đã tìm tòi và mạnh dạn đầu tư dây chuyền hiện đại vào sản xuất. Với khoản vốn hơn 3 tỷ đồng, anh đầu tư hệ thống máy có đường truyền 3 tầng, vừa có chức năng tráng bánh, vừa sấy bánh. Ở công nghệ mới này, công đoạn thủ công duy nhất là bóc tách bánh từ phên để xếp ngay ngắn thành từng tệp. Phên nhựa cũng được thay cho phên tre để đảm bảo vệ sinh, dễ lau chùi. Hơn nữa, dùng phên nhựa sẽ không phải phết thêm mỡ vào dàn, do đó bánh đa nem có thời hạn sử dụng cao gấp đôi so với trước.

Anh Nam cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất ra 5 tạ bánh thành phẩm. Thời gian làm việc theo khung giờ cố định, không phải phụ thuộc vào thời tiết. Việc cải tiến phương pháp của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời rút ngắn thời gian sản xuất. So với cách làm truyền thống thì năng suất cao gấp 10 lần trong cùng một khoảng thời gian. Không những vậy, sản phẩm còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở cũng tạo công ăn việc làm cho 13 lao động địa phương. “Hiện nay, lượng hàng gia đình tôi sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu của người mua. Do đó, dư địa để phát triển làng nghề còn rất lớn” – anh Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, một thực tế khó khăn ở làng nghề là các cơ sở chủ yếu tận dụng không gian sinh hoạt làm nơi sản xuất. Do chật hẹp nên nhiều hộ không có điều kiện đầu tư dây chuyền hiện đại. Vì vậy, để làng nghề phát triển ổn định, rất cần chính quyền địa phương xem xét tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đồng thời bố trí quỹ đất để mở rộng sản xuất.