Thông báo nêu rõ: Thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở khu nội đô trong những giờ cao điểm, gây thiệt hại lớn về vật chất, lãng phí về thời gian, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Để khắc phục tình trạng trên, Thành phố đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp tăng cường năng lực giao thông, giảm ùn tắc, như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch phân bố dân cư, di dời các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất; các giải pháp về tăng cường tổ chức giao thông; các biện pháp hành chính, pháp luật, tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Cùng với các biện pháp trên, việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại là việc làm cần thiết, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông.
Thường trực Thành ủy cơ bản nhất trí với báo cáo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP và thống nhất kết luận:
Về nguyên tắc điều chỉnh: Căn cứ trên thực trạng diễn biến tình hình giao thông của thành phố, sau khi khảo sát và cân nhắc kỹ về lượng người, phương tiện tham gia giao thông, đối tượng tham gia giao thông trong các giờ cao điểm và dự kiến những vấn đề phát sinh để đề xuất phương án điều chỉnh. Việc điều chỉnh giờ làm việc phải góp phần làm giảm ùn tắc giao thông; hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn nảy sinh đối với các đối tượng liên quan. Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người thấy được sự cần thiết của việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại; tạo được sự đồng thuận và tự giác chấp hành.
Về phạm vi điều chỉnh: Căn cứ trên tình hình thực tế ùn tắc giao thông chủ yếu diễn ra ở khu vực các quận và một, hai huyện tiếp giáp nội thành, do vậy, thành phố cũng xác định không điều chỉnh giờ học, giờ làm trên toàn địa bàn, chỉ thực hiện ở những quận, huyện hay xảy ra ùn tắc. Cụ thể, thực hiện trong 10 quận nội thành và hai huyện: Từ Liêm và Thanh Trì.
Về đối tượng điều chỉnh: Hà Nội thống nhất chia ra ba nhóm đối tượng chính và có phương án điều chỉnh hợp lý; đồng thời kết hợp với các biện pháp tăng cường công tác tổ chức, quản lý, điều hành giao thông một cách khoa học, hợp lý, tạo thuận lợi cho việc đi lại, làm việc, sinh hoạt của người dân.
Nhóm thứ nhất là sinh viên, học viên các trường ĐH, CĐ, THCN và dạy nghề; học sinh các trường THPT: Đối với ca học buổi sáng, thời gian học từ 7 giờ; đối với ca học buổi chiều, thời gian tan trường là 18 giờ.
Nhóm thứ hai là các trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm,… thời gian mở cửa từ 9 giờ, thời gian đóng cửa là 22 giờ.
Nhóm thứ ba gồm công chức, viên chức; học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS,… thời gian làm việc và học tập giữ nguyên giờ như hiện tại là từ 8 giờ đến 17 giờ.
Thực hiện phương án này, nhóm công chức, viên chức các cơ quan T.Ư và thành phố, học sinh mầm non, tiểu học, THCS được giữ nguyên giờ làm việc, học tập như hiện nay sẽ giúp cho việc đưa đón, quản lý, chăm sóc con em của người dân được thuận lợi, không gây xáo trộn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Thường trực Thành ủy giao UBND TP khẩn trương hoàn chỉnh phương án, mời các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến trình Chính phủ. Nếu hoàn thành sớm, sẽ đề nghị Chính phủ cho thực hiện từ 1/12/2011, nếu cần hoàn thiện thêm, sẽ thực hiện từ 1/1/2012.
Cùng với việc điều chỉnh khung giờ trên, UBND TP chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Theo đó, đối với những biện pháp khả thi, cần tổ chức thực hiện ngay; những biện pháp mang tính lâu dài, đòi hỏi nhiều nguồn lực, cần phải có lộ trình cụ thể để thực hiện. Tiếp tục đề xuất với Trung ương về các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là ô tô; vấn đề nhập cư; tăng mức xử phạt vi phạm, mức phí giao thông… Đặc biệt là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.