Phòng tránh say tàu xe, say sóng
Say tàu xe hay còn gọi là say sóng, một hội chứng xảy ra khi di chuyển bằng tàu, thuyền, xe hơi hoặc máy bay. Các triệu chứng thường gặp là chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đổ nhiều mồ hôi, tụt huyết áp. Y học gọi là rối loạn tiền đình do di chuyển. Những người say tàu xe nên chọn chỗ ngồi gần đầu xe, nhìn thẳng về phía trước, không nhìn sang phía hai bên, không ngồi quay mặt phía ngược chiều xe chạy. Nếu đi tàu thuyền, tránh không nhìn xuống nước hoặc nhìn mũi tàu, còn đi máy bay, không nhìn ra ô kính khi máy bay lên, xuống. Tuyệt đối không đọc sách báo khi máy bay, tàu xe di chuyển. Trước khi đi nên ăn nhẹ, không để cơ thể quá đói hoặc quá no vì dễ kích thích niêm mạc dạ dày. Không dùng đồ uống có gas, không uống rượu trước và trong khi đi, nếu khát nước, chỉ nên uống từng ngụm nhỏ. Trước khi khởi hành khoảng 30 phút nên dùng một khúc gừng tươi giã nát, uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, nên ngậm trong miệng một lát gừng mỏng. Mọi người cũng có thể dùng thuốc chống say xe, 30 phút trước khi khởi hành nên uống một viên (50mg/viên) thuốc Dimenhydrinat, nếu cần bốn giờ sau có thể uống lại. Hoặc có thể dùng cao Scopoderm TTS dán sau tai một miếng.
Du lịch biển thu hút nhiều du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4. Trong ảnh: Bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Hoài Nam
Đề phòng ngộ độc thực phẩm
Trong những chuyến du lịch xa, thường mọi người sẽ ăn ngoài hàng, quán thay vì tự tay nấu nướng. Trong khi đó, nguồn lây nhiễm đáng sợ nhất là qua nguồn nước và tay người bán hàng. Vì vậy, hãy chọn các hàng quán sạch sẽ, xa cống rãnh, thức ăn được đặt trong các vật dụng sạch, người bán có đeo găng tay khi chế biến thực phẩm… Tốt nhất nên uống các loại nước đóng chai, đóng bình có công bố tiêu chuẩn chất lượng. Đồ hộp cũng khá tiện dụng khi đi du lịch, nhưng cần chú ý về thời hạn sử dụng, chọn hộp không móp méo, gỉ sét… Nếu nắp hộp phồng lên chứng tỏ đã có sự phát triển của vi khuẩn yếm khí, vì vậy hãy loại nó ra khỏi thực đơn.
Đề phòng ngộ độc và dị ứng thức ăn, tốt nhất là không nên ăn thử các thức ăn quá đặc biệt, quá lạ dù cho được giới thiệu đó là loại đặc sản hiếm hoi, ít có cơ hội thử. Ngoài ra, với những người có cơ địa dị ứng, nên chuẩn bị sẵn thuốc kháng dị ứng trước khi quyết định "khám phá" món lạ.
Mang theo một ít thuốc cần thiết
Trước mỗi chuyến du lịch, các gia đình nên chuẩn bị những loại thuốc cần thiết, có thể sẽ phải sử dụng đến trong kỳ nghỉ. Đó là vài gói Oresol để pha vào nước uống khi bị sốt, tiêu chảy, mất nước. Ngoài ra, cần mang thêm những thứ như bông, băng, gạc tiệt trùng, nước oxy già, cồn… để rửa vết thương và sơ cứu khi bị tai nạn.
Khi đi đến vùng cao, cần chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là trẻ em để phòng tránh bệnh về hô hấp. Những người có tiền căn bệnh suyễn nên đem theo thuốc xịt khí dung trị suyễn để đề phòng lên cơn hen bất ngờ. Để tránh khô mũi, hãy chuẩn bị một lọ nước muối sinh lý hoặc nước biển vệ sinh mũi vào mỗi sáng, tối. Để tránh khô da, hãy uống nhiều nước trong suốt chuyến đi, bôi kem dưỡng ẩm vào các vùng da lộ ra ngoài.
Tăng cường dinh dưỡng mùa du lịch
Mùa hè với cái nóng oi bức luôn tạo cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Vào thời tiết này, về nguyên tắc các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn đủ chất, nhưng hạn chế chất béo, tăng cường ăn hoa quả và uống nhiều nước. Khi chọn mua hoa quả nên chọn mua các loại hoa quả có tính chất thanh nhiệt như thanh long, cam, bưởi, dưa hấu... Ăn nhiều rau, củ, quả để cung cấp vitamin A, E, C và các khoáng chất khác như canxi, kali, magie... giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và chứa chất chống oxy hóa.