Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 ảnh hưởng đến toàn xã hội. Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho Nhân dân trước đại dịch, TP Hà Nội đã hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với 3.431 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 3,431 tỷ đồng.
Là một trong gần 600 lượt người, hộ mới nhận được phần hỗ trợ từ phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), anh Nguyễn Ngọc Trung Đức xúc động bộc bạch: “Nhà tôi ở số 47 Hàng Ngang nhưng bị cháy, hơn một năm nay phải đi thuê trọ ở phường Phúc Tân. Tôi mới tốt nghiệp đại học, mẹ làm nghề bán hoa quả nhiều ngày nay nghỉ ở nhà không có nguồn thu nên ăn uống rất đạm bạc. Tuy nhiên, lãnh đạo phường Hàng Đào luôn quan tâm động viên và kịp thời cử người mang gạo, mỳ gói, gia vị, dầu ăn đến cứu trợ, chúng tôi rất cảm động”.
Trao nhu yếu phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải |
Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, không chỉ những người dân thường trú trên địa bàn Hà Nội được quan tâm, giúp đỡ kịp thời mà có cả những người lao động tự do ngoại tỉnh bị kẹt lại Hà Nội. Quyết không để một người dân nào bị thiếu đói, các quận, huyện đã yêu cầu phường, xã rà soát những trường hợp khó khăn, kể cả người thuê trọ, lập danh sách báo cáo để được hỗ trợ khẩn cấp.
Đơn cử, huyện Hoài Đức, buổi sáng 3/8 nhận được thông tin trên địa bàn xã Kim Chung có 307 lao động ngoại tỉnh làm nghề xây dựng có nguy cơ bị đói, đã lập tức kêu gọi các nguồn và ngay buổi chiều cùng ngày lãnh đạo huyện chuyển tới 2.000kg gạo, 500kg rau xanh, 200kg thịt lợn...
Dưới cái nắng như đổ lửa, tận mắt chứng kiến lao động ngoại tỉnh vui mừng khi nhận được gạo, thịt, rau, Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương xúc động, mong mọi người ở trong nhà phòng chống dịch. Rất nhiều quận huyện như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ... cũng đã có những hỗ trợ kịp thời đối với người dân, người lao động, lao động ngoại tỉnh bị kẹt lại để họ có nguồn sống trong thời gian giãn cách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP cũng như nghị quyết của TP cho những đối tượng đặc thù. Lãnh đạo các quận, huyện luôn có quan điểm chăm lo cho người dân như người nhà.
Khi Hà Nội vẫn còn những ca F0 ngoài cộng đồng, TP tiếp tục thực hiện giãn cách đến ngày 6/9. Nhằm chia sẻ với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người lao động ngoại tỉnh bị kẹt lại Thủ đô, rất nhiều phường, xã, tổ dân phố, khu dân cư đã lập các trang fanpage trên Zalo, Facebook để mọi người cập nhật thông tin những người có nguy cơ thiếu ăn để được trợ giúp kịp thời. Giúp đỡ những người yếu thế, người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là hành động đẹp, thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách” đã được lan tỏa rộng với những cách làm sáng tạo.
Rất nhiều nhóm hoạt động thiện nguyện được thành lập để mọi người đùm bọc lẫn nhau: Group Hà Nội Một trái tim hồng - Chung tay thắp hy vọng... Cho dù có vất vả nhưng các thành viên trong nhóm luôn tâm nguyện giúp đỡ được càng nhiều người dân càng tốt. Thậm chí có những nhóm thiện nguyện được lập ra ngay từ đầu mùa dịch Covid-19 với quy mô nhỏ nay đã phát triển mạnh; có sự tham gia đông đảo thành viên và cách tổ chức cũng bài bản hơn. Những hành động và nghĩa cử cao đẹp của của Đảng bộ và UBND TP Hà Nội, chính quyền các cấp cùng tổ chức, cá nhân đã giúp được cho nhiều người nghèo, người khó khăn, người yếu thế... trong lúc khó khăn vì dịch Covid-19. Những hành động nhân văn đó đã lan tỏa và gieo niềm tin về lòng tốt, đó chính là động lực, sức mạnh to lớn để Hà Nội cùng cả nước sớm quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 này.