GM cho biết, khoảng 33.000 chiếc Cruze có thể bị lỗi túi khí bên của ghế lái, có thể là do dùng sai linh kiện, phụ tùng trong quá trình lắp ráp. “Chúng tôi đang tích cực phối hợp với nhà cung cấp (công ty Takata của Nhật) để xác định chính xác các xe bị ảnh hưởng và hy vọng có thể tiếp tục bán xe vào cuối tuần này,” một người phát ngôn của GM - ông Greg Martin - cho biết. Túi khí do công ty Takata của Nhật Bản cung cấp đang là nguyên nhân khiến hàng loại nhà sản xuất ô tô phải triệu hồi xe, với số lượng lên đến hàng triệu chiếc, gồm: Ford, Chrysler, Honda, Mazda, Nissan, Toyota và BMW. Cụ thể, hệ thống bơm túi khí do Takata sản xuất dùng cho các xe nói trên có thể chứa chất nổ nên trong một số trường hợp có thể xảy ra nổ, nguy hiểm cho người ngồi trên xe.
Chevrolet Cruze là mẫu xe bán chạy nhất của GM |
Tuy nhiên, lỗi mà GM công bố hôm 25/6 vừa qua liên quan đến lỗi trong quá trình lắp ráp bộ phận bơm hơi túi khí của Takata. Hiện chưa rõ việc lắp nhầm phụ tùng ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của túi khí. “Đây là vấn đề kỹ thuật cơ khí, chứ không phải do hóa chất," một người phát ngôn khác của GM - ông Jim Cain - giải thích. Trong khi đó, người phát ngôn Toyohiro Hishikawa của Takata ở Tokyo cho biết, công ty không hề biết gì về quyết định của GM nên chưa thể đưa ra bình luận gì. Ông cho biết, Takata là nhà cung cấp lâu năm của GM. Chevrolet Cruze là mẫu xe bán chạy nhất của GM, với doanh số tại Mỹ đạt 32.393 chiếc trong tháng 5 vừa qua, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Cain cho biết, GM đang xem xét hướng giải quyết đối với các xe Cruze đã bán cho khách. Ngoài ra, cũng trong ngày 25/6, đã có thông tin về việc có thêm một trường hợp GM biết có vấn đề về an toàn của xe nhưng không có hành động kịp thời. Việc này gợi nhắc đến đợt triệu hồi hàng triệu xe cỡ nhỏ gần đây của tập đoàn, do hệ thống đánh lửa bị lỗi có thể khiến xe chết máy, túi khí không hoạt động và giảm hoặc mất trợ lực lái và phanh. Đã có 13 trường hợp tử vong liên quan đến lỗi này. GM giải thích rằng việc chậm trễ báo lỗi nói trên là do thủ tục hành chính, chứ không phải tập đoàn cố ý lừa dối. Tuy nhiên, tháng trước, cơ quan an toàn liên bang Mỹ cho biết, GM đã vi phạm luật và đồng ý mức phạt tối đa 35 triệu USD. Trường hợp mới bị phát hiện nói trên cũng liên quan đến hệ thống đán lửa, nhưng là lỗi khác. Cụ thể, có thể rút chìa khóa điện khi chưa chuyển số về P (chế độ dừng-đỗ) hoặc khi xe vẫn đang nổ máy. Như vậy là vi phạm tiêu chuẩn an toàn của liên bang vốn được đặt ra để ngăn chặn tình trạng xe tự trôi.