Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ đầu ra cho sản phẩm làng nghề: Đẩy mạnh cải tiến mẫu mã

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngoài khó khăn chung của tình hình kinh tế, một yếu tố quan trọng khiến đầu ra của sản phẩm làng nghề bị ách tắc là do mẫu mã quá đơn điệu. Do đó, để phát triển, các làng nghề cần tích cực cải tiến, sáng tạo mẫu mã phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Chậm đổi mới
 
Đến nhiều làng nghề của Hà Nội như mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), lụa Vạn Phúc (Hà Đông), đồ gỗ Liên Hà (Đông Anh)... không khí sản xuất khá yên ắng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều làng nghề trên cả nước. Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, lượng sản phẩm làng nghề bị tồn đọng khoảng 50% và trong hai năm 2011 - 2012, hiệu suất kinh doanh của các làng nghề giảm sút 30 - 40%. Nhiều "làng nghề tỷ phú" trước đây, đến nay cũng trong tình trạng đìu hiu, máy móc "đắp chiếu".
 
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định, nguyên nhân của tình trạng trên là do mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam thiếu tính sáng tạo. Đa số các sản phẩm làm theo mẫu mã có từ hàng chục, hàng trăm năm nay, dẫn tới nhàm chán, không thu hút khách hàng.
 
Gỡ đầu ra cho sản phẩm làng nghề: Đẩy mạnh cải tiến mẫu mã - Ảnh 1
Sản xuất mây tre đan tại làng nghề Phú Túc, huyện Phú Xuyên.
 
Đối với các sản phẩm xuất khẩu, phần lớn chỉ dừng lại ở việc gia công theo mẫu có sẵn của đối tác gửi sang hoặc làm "nhái" mẫu nước ngoài. Điều này làm giảm tính sáng tạo, hấp dẫn của hàng thủ công mỹ nghệ Việt.Một nguyên nhân nữa, do chúng ta chưa có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp nghiên cứu thiết kế mẫu mã sản phẩm chuyên sâu cho từng nghề.
 
Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chia sẻ, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi do trình độ văn hóa có hạn, không được học qua các lớp chuyên môn nên có những hạn chế trong sáng tạo, thiết kế mẫu mã sản phẩm.
 
Tạo mẫu cho hàng thủ công Việt
 
Đổi mới, sáng tạo thiết kế mẫu mã cho hàng thủ công mỹ nghệ là vấn đề cấp bách của làng nghề hiện nay.
 
Theo ông Mai Văn Hưởng, Chủ tịch Hiệp hội Thêu ren Hà Nội, để thiết kế được một mẫu hàng thành công, cần sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng của họa sĩ với bàn tay của các nghệ nhân, thợ giỏi trên cơ sở nắm bắt tốt xu hướng tiêu dùng. Thời gian tới, các địa phương cần phát động rộng rãi các phong trào cải tiến, sáng tạo mẫu mã trong các làng nghề.
 
Đồng thời, mở lớp đào tạo dạy nghề thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công tại làng nghề, bởi khoảng trên 90% thợ thủ công của cả nước không được học qua sơ cấp mỹ thuật, hay trường lớp đào tạo nghề chuyên nghiệp mà truyền nghề theo cách cha truyền con nối.Trong quá trình cải tiến mẫu mã cho sản phẩm làng nghề, một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc theo phương châm "hiện đại hóa truyền thống, truyền thống hóa hiện đại".
 
Thạc sĩ Bùi Văn Vượng, Giám đốc Trung tâm Tạo mẫu hỗ trợ làng nghề Việt Nam chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thiết kế mẫu mã khá thuận lợi. Do đó, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi trong các làng cần chung sức sáng tạo mẫu mã mang đậm văn hóa Việt và khẳng định ưu thế của hàng thủ công Việt trên thị trường.
 
Cùng với đó, để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm làng nghề, các ngành chức năng cần có biện pháp hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Trong đó, thực hiện tốt kích cầu tiêu dùng để khai thác tiềm năng thị trường nội địa. Ngoài ra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, nguyên liệu, hạ tầng, phục vụ sản xuất... cho các làng nghề.

 
Hiện, cả nước có 2.790 làng nghề với hơn 11 triệu lao động thuộc 53 nhóm nghề và 200 loại sản phẩm thủ công. Trong những năm gần đây, số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn đang tăng lên với tốc độ bình quân 8,8 - 9,8%.