Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ điểm nghẽn để phát triển đô thị bền vững

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu đến năm 2025, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ đạt khoảng 50% và kinh tế đô thị đóng góp 85% GDP của cả nước, phát triển đô thị được coi là động lực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Qua đó, góp phần đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 theo đúng mục tiêu cương lĩnh Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra.

Ngày 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Ảnh: Phạm Hùng
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Ảnh: Phạm Hùng

Thách thức trong quá trình đô thị hóa

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Nếu như vào năm 1998, cả nước có 633 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 24%, thì đến nay đã có 869 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 41%. Phần lớn các đô thị đã khẳng định vai trò, vị thế, tầm quan trọng trong tổng thể cấu trúc của mạng lưới. Không gian đô thị mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại; từng bước nâng cao chất lượng sống đô thị.

Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực đô thị có sự tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa chịu nhiều tác động rủi ro do biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, đô thị ven biển còn chịu thêm những tác động như nước biển dâng cao dẫn tới xâm thực mặn vào đất liền, gió mạnh, sóng lớn. Đô thị miền núi thường xuyên xảy ra sạt lở, lũ quét, rét hại, nắng nóng, sương muối, mưa lớn. Cùng với đó, những áp lực về ô nhiễm môi trường, dân số tăng nhanh gây ra tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng ở những đô thị lớn, rõ nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhiều đô thị đối diện với tình trạng ngập lụt, gián đoạn hệ thống thu gom rác thải, hạ tầng giao thông quá tải, hạ tầng xã hội, công cộng thiếu hụt...

Nhìn nhận thực tế, bên cạnh những tác động tiêu cực do khách quan mang lại, trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn do yếu tố chủ quan về công tác quản lý. “Tư duy công tác dự báo chậm hơn thực tiễn của quá trình đô thị hóa, quy luật nền kinh tế thị trường. Nhận biết ảnh hưởng quá trình chuyển đổi nền kinh tế thị trường vào chất lượng đô thị hóa còn thấp.

Bên cạnh đó, những vấn đề vướng mắc trong quy hoạch, xây dựng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực tồn đọng, kéo dài. Các nghiên cứu về xu hướng, hình thái, chất lượng đô thị chưa được đầu tư thỏa đáng... dẫn đến việc quy hoạch, phát triển đô thị thiếu sự đồng bộ và tầm nhìn dài hạn” – Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS Trương Văn Quảng nhìn nhận.

Sớm hoàn thiện thể chế phát triển đô thị

Nhận thức tầm quan trọng của đô thị hóa trong thời kỳ mới và những thách thức về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" xác định 5 nhóm quan điểm, 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.

Ngay sau khi Nghị quyết 06 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực, phối hợp với bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai xây dựng chương trình hành động. Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ ý kiến tham gia của cơ quan hữu quan, địa phương trong cả nước, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 148/2022/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06. Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 nhằm phổ biến, triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh đề nghị cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch trong quá trình phát triển đô thị. Đồng thời phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu.

"Đây là nhiệm vụ phức tạp, hết sức khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn chế. Vì vậy, cần phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, trong đó, các địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong việc đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển" - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh đề nghị.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính kiến nghị, quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần ưu tiên hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia làm xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển cần hướng tới quy hoạch tích hợp - chiến lược - phù hợp bối cảnh địa phương, có sự tham gia của các bên trong việc nhận diện và giải quyết các vấn đề đô thị, đặc biệt là các vấn đề như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả...

Đặc biệt, cần có các cơ chế, chính sách để các địa phương có thể chủ động tháo gỡ rào cản, thúc đẩy công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị tại địa phương; chủ động thúc đẩy việc triển khai các dự án khu đô thị mới...

Căn cứ theo những nội dung được hoạch định theo từng giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, các đô thị Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình liên kết mạng lưới, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ và tiến trình hội nhập quốc tế. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay liên quan đến thể chế, cơ chế quản lý mạng lưới đã được hình thành chưa; ai/cơ quan/bộ máy nào là người quản lý và quản lý như thế nào để mạng lưới hoạt động tốt, có hiệu quả...?

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái nhìn nhận, một số cơ chế, chính sách cần được nghiên cứu, ban hành như: Quy định nội dung quản lý Nhà nước về phát triển đô thị; trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành và UBND các cấp. Ngoài ra còn có quy định chi tiết, cụ thể về công tác kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện; quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu phát triển đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin.

“Yêu cầu trước mắt là cần sớm hoàn thiện chức năng quản lý Nhà nước về đô thị từ T.Ư đến các cấp chính quyền địa phương. Trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước đầu mối về phát triển đô thị ở T.Ư và địa phương. Đồng thời nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị các cấp” – ông Trần Quốc Thái kiến nghị.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang đối diện với thách thức lớn nhất là biến đổi khí hậu. Về vấn đề này, TS Nguyễn Đăng Mậu - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu cho rằng, trước khi hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị, cần tập trung giải pháp để khắc phục những thách thức này.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm từ quốc tế chống biến đổi khí hậu có các giải pháp, gồm: Tích hợp giảm nhẹ - thích ứng giúp tổng hợp, hài hòa với tự nhiên, hướng đến đô thị xanh, carbon thấp nhưng đòi hỏi nguồn tài chính lớn, ổn định lâu dài; giảm thiểu rủi ro thiên tai - thích ứng, tập trung vào chống chịu với thiên tai bằng giải pháp công trình chống chịu gió mạnh, ngập lụt, nắng nóng, nước dâng… tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đồng thời xây dựng thông tin về rủi ro có tham gia của các bên (nhà hoạch định chính sách, quản lý, nhà khoa học, cộng đồng, DN…); quản trị, tài chính, mạng lưới tri thức nhằm kết nối giữa các đô thị trong và ngoài nước.

 

Với Nghị quyết 06–NQ/TW, lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, có những bước tiến lớn trong phát triển đô thị tập trung vào các sáng kiến phát triển bền vững. Để giải quyết những khó khăn, thách thức trước mắt cần sớm hoàn thiện khung chính sách đô thị quốc gia và giải quyết các vấn đề xuyên suốt như giảm nghèo, nhà ở, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng trong tăng trưởng. Điều đó sẽ mang lại quá trình đô thị hóa toàn diện, bao trùm hơn, để không ai và không nơi nào bị bỏ lại phía sau.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Maimunah Mohd Sharif