Một cổ, nhiều tròng
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, tính đến hết 31/12/2012, cả nước có 3.517 DN nông lâm thủy sản, chiếm khoảng 1,6% tổng số DN của cả nước, trong đó chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Thời gian gần đây, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN nông lâm thủy sản đang gặp khó khăn trong hoạt động. Năm 2013, cả nước có hơn 1.020 DN nông lâm thủy sản thành lập mới, giảm 14% so với năm 2012. Tuy nhiên có đến 1.332 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động. Như vậy, số lượng DN giải thể nhiều hơn số DN được thành lập mới, càng cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của các DN nông nghiệp.
Từ những con số trên nhìn vào thực tiễn sản xuất, đại diện nhiều DN nông nghiệp tỏ ra không mấy ngạc nhiên, bởi phần lớn đều đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Đàm Quang Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, đại diện cho Hội DN hóa chất nông nghiệp Hà Nội bày tỏ, gần như các DN chưa tiếp cận được thông tin cũng như nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ cho DN vừa và nhỏ. Không chỉ vậy, các rào cản về cơ chế, chính sách quản lý hiện hành cũng còn rất lớn. Ông Thắng lấy ví dụ, với lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật như của công ty ông, cùng một lỗi sai, một sản phẩm nhưng có rất nhiều cơ quan, đơn vị kiểm tra và xử phạt như cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường... "DN bị phạt quá nhiều, phạt lên phạt xuống. Nếu tình trạng này còn tiếp tục, các DN cũng hết mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp" - ông Thắng chia sẻ.
Đẩy mạnh gỡ khó
Mặc dù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có lợi nhuận thấp, rủi ro cao nhưng lại có ý nghĩa xã hội rất lớn vì giải quyết được vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta đang trong tiến trình đàm phán các hiệp định tự do thương mại với EU, Nga, Hàn Quốc... Do vậy, nếu những khó khăn, bất cập chưa được tháo gỡ, hoạt động của các DN nông nghiệp sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Tại diễn đàn DN nông nghiệp 2014 do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, đại diện nhiều DN cũng đề nghị Bộ triển khai các đề án nghiên cứu khoa học phải gắn với DN, tránh tình trạng nghiên cứu xong "để trên nóc tủ". Bên cạnh đó, tháo gỡ vấn đề thuê đất sản xuất và tập trung hỗ trợ công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng nông sản...
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất. Trong đó bao gồm sắp xếp và cổ phần hóa các DN Nhà nước, sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh, khuyến khích DN tư nhân phát triển, đẩy mạnh hợp tác công - tư và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa nông dân với HTX và DN. Qua lắng nghe ý kiến của các DN, Bộ sẽ chỉ đạo rà soát lại các cơ chế, chính sách để có hướng tháo gỡ, giúp các DN nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động, phấn đấu trong năm 2014 giá trị xuất khẩu nông sản đạt 30 tỷ USD.
Khách hàng tìm mua sản phẩm trứng sạch của Công ty CP Tiên Viên, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thắng văn
|
Trong 9 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3%, cao hơn mức 2,4% của cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 22,7 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013. |