Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho hoạt động giám sát tại cơ sở

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nhân tố thể hiện rõ vai trò giám sát của MTTQ chính là hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Mặc dù đã làm tốt chức năng và giúp quyền làm chủ của người dân được mở rộng, song hoạt động này tại địa phương vẫn gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ.

 Công chức BP Một cửa UBND xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) hướng dẫn công dân thực hiện DVC trực tuyến
Kịp thời phản ánh kiến nghị của dân

Hơn một năm qua, Ban GSĐTCCĐ phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) gồm 12 thành viên được giao giám sát 6 dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa. Trong đó, Ban đặc biệt quan tâm đến dự án xây dựng trường Mầm non Ánh Sao, bởi đây là dự án có quy mô lớn với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng.

Với cách làm bài bản, các thành viên của Ban đã thu thập ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân với bên thi công như: Để bụi bẩn lan rộng trong khu dân cư, gây tiếng ồn lớn, việc xử lý bể phốt không tốt làm ảnh hưởng đến môi trường… Tổ giám sát đã họp với bên thi công để lập biên bản, báo cáo với UBND phường kiến nghị những việc trên. Từ đó, bên thi công đã tiếp thu và cam kết từng bước sửa chữa, khắc phục những sai sót.

Tại huyện Thanh Trì, giám sát quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên đất công là công tác được Ban TTND huyện làm tốt trong 5 năm qua. Qua đó, Ban đã phát hiện 215 trường hợp san lấp, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp với hàng nghìn mét vuông đất; 327 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng và đã kiến nghị để giải quyết dứt điểm.

Cùng với đó, Ban GSĐTCCĐ huyện Thanh Trì đã giám sát được 424 công trình, dự án trên địa bàn. Điển hình là Ban đã phát hiện 29.000 viên gạch non kém chất lượng tại công trình xây dựng trường Mầm non Triều Khúc, xã Tân Triều. Hay phát hiện gạch không đúng chủng loại tại công trình xây dựng Trung tâm văn hóa xã Đông Mỹ… Qua đó, những sai phạm của chủ đầu tư được khắc phục kịp thời, đảm bảo chất lượng công trình.

Còn nhiều vướng mắc

Thực tế cho thấy, hầu hết thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đều do các thôn, xóm cử ra nên hầu như họ không có kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động giám sát. Vì thế, họ chủ yếu giám sát theo kiểu “trực quan”. Trong khi đó, những hoạt động của hai Ban này liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm như: Đầu tư xây dựng, quản lý kinh tế - tài chính, quản lý sử dụng đất đai, việc thực hiện chế độ chính sách, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở… Cùng với đó, ở một số nơi thiếu sự phối hợp, tạo điều kiện của cấp ủy cơ sở và các cơ quan chức năng, nên việc giám sát lại càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, những kiến nghị của Ban TTND do không mang tính pháp lý nên chậm được giải quyết. Thậm chí có những nơi kiến nghị của họ không được giải quyết gây nên bức xúc và tạo tâm lý chán nản cho các thành viên. Đồng thời, kinh phí hoạt động rất eo hẹp cũng là điều khiến thành viên của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trăn trở.

Để thực hiện tốt vai trò giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Văn Bình, huyện Thường Tín Trần Thị Nghĩa cho rằng, các thành viên của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ cần được trang bị kiến thức, nghiệp vụ một cách bài bản thông qua bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ của MTTQ các cấp. Đồng thời, cần thường xuyên cập nhật những văn bản pháp luật mới. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Xuyên Trần Hữu Thắng cũng cho rằng, Quốc hội cần sớm ban hành Luật TTND. Nhà nước cần có chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền không giải quyết các kiến nghị trong quá trình giám sát của Ban TTND. Bên cạnh đó, đề nghị các cấp ủy, cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp để Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ hoạt động ngày một hiệu quả hơn.