Sản phẩm OCOP khó vào siêu thị
Hiện, cả nước có hơn 8478 sản phẩm OCOP của 59 tỉnh, thành đã được đánh giá, phân hạng, trong đó Hà Nội có đến 1.649 sản phẩm. Mặc dù chương trình OCOP đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng miền. Thế nhưng việc tiêu thụ lại không hề dễ dàng, nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết với doanh nghiệp phân phối để tiêu thụ sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở ngõ 85 Nguyễn Lượng Bằng (Đống Đa) than phiền, trước đây chị được bạn bè tặng sản phẩm trà xạ đen MD Queens dùng để bồi bổ sức khỏe, nhưng hiện muốn tìm mua loại sản phẩm này rất khó khăn vì ở siêu thị không có. Vì vậy, mỗi khi cần dùng đều phải nhờ người nhà mua giúp rồi chuyển ship rất phiền phức.
Trong khi đó, sản phẩm nước mắm lâu năm của Công ty TNHH hải sản Phan Thiết đạt công nhận OCOP 4 sao, nhưng để đưa sản phẩm giới thiệu tới người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị hiện đại lại không dễ dàng. Giám đốc công ty TNHH Hải sản Phan Thiết Nguyễn Quang Chiến cho biết, để đưa sản phẩm vào siêu thị thì công ty phải chấp nhận yêu cầu công nợ dài ngày, chiết khấu cao. “Các siêu thị đều yêu cầu các chương trình như sinh nhật, ngày lễ… nhà sản xuất đều có chương trình khuyến mãi, giảm giá khiến chi phí chiếm 30-40% giá thành sản phẩm”- ông Chiến nêu ví dụ.
Tương tự, theo Tổng Giám đốc Công ty CP MD Queens Trịnh Kim Thư, công ty có sản phẩm trà xạ đen đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của TP Hà Nội, nhưng khi đưa hàng vào các siêu thị tiêu thụ, phải đáp ứng yêu cầu có kinh nghiệm đưa hàng những siêu thị quy mô lớn như Big C, Mega Maket… thì mới được duyệt. Cùng với đó là chi phí mở mã hàng khá lớn, đồng thời siêu thị đều yêu cầu bán ký gửi hàng hóa khiến lượng vốn lưu động của doanh nghiệp thâm hụt.
Trong khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa gặp được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ. Theo Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, siêu thị có bộ phận quản lý chất lượng thường xuyên kiểm tra bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... được đưa vào bày bán tại siêu thị. Thế nhưng một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP chưa nắm được quy định nên chưa đáp ứng yêu cầu cung ứng hàng cho doanh nghiệp bán lẻ.
“Ví dụ như quy định trên nhãn mác sản phẩm ghi hạn sử dụng 12 tháng thì phải có hồ sơ chứng nhận cụ thể chứ không thể ghi ước lượng tùy tiện...Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại” - bà Dung phân tích.
Kết nối để khơi thông
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) Bùi Huy Hoàng, một trong những lý do khiến sản phẩm OCOP của các địa phương bị bí đầu ra là do các hộ nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ trong giao dịch, mua bán.
Ngoài ra, chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị có yêu cầu cung ứng hàng số lượng lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất chưa chú trọng tới xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác… “Đây là nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại”-ông Hoàng nêu rõ.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu hiện nay, vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng Việt, hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Đồng thời phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy muốn tiêu thụ sản phẩm OCOP nhà sản xuất phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định đó.
Theo Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà, để tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể tham gia OCOP khi đưa sản phẩm vào siêu thị, Big C cử nhân viên về các địa phương tìm kiếm sản phẩm đặc trưng; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị... “Hiện nay, Big C có các chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ nông dân và hợp tác xã với chiết khấu 0% nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý” - ông Hà thông tin.
Nhằm hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm OCOP, sắp tới, Hà Nội chấm điểm sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP để phân hạng sản phẩm theo tiêu chí “sao”. Khi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được chứng nhận, chắc chắn sẽ có thêm cơ hội đưa hàng vào hệ thống siêu thị tiêu thụ và người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận.
Như vậy để sản phẩm OCOP thông đầu ra, nhà phân phối và nhà sản xuất đều có trách nhiệm chung xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Nhưng đề làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý, nhà phân phối và nhà sản xuất đều có trách nhiệm xây dựng mối giao thương đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm nhà phân phối rất quan trọng, bởi chỉ họ mới biết người tiêu dùng cần gì và hướng dẫn lại nhà sản xuất.