Diễn đàn được tổ chức với mục đích tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Đan Phượng thông qua việc kết nối với các DN bán lẻ nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội.
Các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp thảo luận tại diễn đàn |
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, hiện nay, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị trên địa bàn TP rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 10%. Đáng nói, một phần lớn nông dân còn mơ hồ hoặc hiểu chưa đúng về chuỗi giá trị dẫn đến liên kết với các tác nhân khác còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Thậm chí, nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh… Đây là những nguyên nhân khiến nông sản vẫn bí đầu ra trong thời gian qua.
Sản phẩm bưởi đào chín sớm của Đan Phượng giới thiệu bên lề diễn đàn |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, đến nay, Đan Phượng đã chuyển đổi được hơn 1.375ha đất trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, gồm: Hơn 191ha trồng rau an toàn, gần 483,5ha hoa, hơn 303ha cây ăn quả chất lượng cao, 10,9ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư...
Đến nay, huyện cũng xây dựng được 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm nông nghiêp trên địa bàn huyện đã được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, hoa lan công nghệ cao, rau an toàn… Cùng với đó là sự phát triển mạnh của các làng nghề: Làng nghề làm đậu phụ ở xã Hồng Hà, làng nghề làm khoai lang kén ở xã Trung Châu, làng nghề làm kẹo dồi, kẹo lạc ở xã Song Phượng…
Sản phẩm kẹo lạc, kẹo dồi của xã Song Phượng |
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong kết nối tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Văn Nội, ở xã Phương Đình cho hay: “Gia đình tôi đang trồng 1 mẫu nho hạ đen theo quy trình VietGAP. Sản lượng trung bình 6 – 7 tạ/sào, tần suất 2 vụ/năm. Tôi mong muốn được các cơ quan quản lý quan tâm, hỗ trợ để sản phẩm nho hạ đen của gia đình được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, tạo tiền đề thuận lợi để sản phẩm được vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP”.
Với mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đậu phụ, Giám đốc Công ty TNHH Đậu phụ sạch truyền thống Việt Nam VISOY Trần Vĩnh Quân cho biết, sản phẩm đậu phụ của công ty đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, công ty đang cung cấp cho các bếp ăn trường học, bếp ăn công nghiệp với sản lượng 2 tấn/ngày. Đến với diễn đàn hôm nay, anh Quân muốn kết nối hợp tác với các DN, kênh siêu thị bán lẻ có nhu cầu nhập sản phẩm của cơ sở để cung cấp cho thị trường.
Tại diễn đàn, các DN, nhà quản lý khuyến nghị, nông dân cần liên kết chặt chẽ hơn bằng việc thành lập HTX, tổ, nhóm sản xuất và bắt tay với DN. Đặc biệt, nông dân nên làm tốt khâu sản xuất còn các khâu sơ chế, đóng gói, thu mua lẻ, vận chuyển đến siêu thị nên để HTX, DN đảm nhận. Ngoài các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bà con cần lưu ý đến kênh bếp ăn tập thể như trường học, khu công nghiệp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, kênh bán lẻ hiện đại là những trung tâm thương mại và siêu thị đòi hỏi gắt gao tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất, tiếp đến mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Do đó, nông dân, HTX cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều.
Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Công ty CP thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm với Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý, Công ty CP Thanh Thanh Food Việt Nam; lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Bữa ăn an toàn với Công ty TNHH Đậu phụ sạch truyền thống Việt Nam VISOY, Cơ sở sản xuất khoai lang kén Hà Thìn.