Nhiều “nút thắt”
Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có 286 làng nghề đã được công nhận. Những năm qua, đặc biệt là từ năm 2009 trở lại đây, số lượng cơ sở sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn thành phố đã tăng nhanh chóng, từ 163.150 cơ sở lên 175.889 cơ sở. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng làng nghề cũng đóng góp không nhỏ cho kinh tế thủ đô, năm 2013 giá trị sản xuất của khu vực làng nghề đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 4.550 tỷ đồng so với năm 2009.
Theo bà Trịnh Thị Hồng Loan - Trưởng phòng Quản lý tiểu thủ công nghiệp và làng nghề (Sở Công Thương Hà Nội), lực lượng làng nghề trên địa bàn thành phố đã có sự phát triển nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng bởi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là việc vay vốn của các tổ chức tín dụng rất khó khăn do cơ chế về tài sản, thủ tục thế chấp vì nhà xưởng của các cơ sở được đặt tại gia đình nên được định giá không cao. Thời hạn vay theo quy định của ngân hàng thường ngắn từ 6 – 12 tháng, nên vốn vay không đáp ứng được quy trình sản xuất, cùng với tình hình tiêu thụ hàng hóa chậm dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn ngày một nghiêm trọng.
Nhiều làng nghề Hà Nội đang gặp khó về mặt bằng sản xuất.
|
Cũng theo bà Loan, hạ tầng tại các làng nghề còn chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, với một số làng nghề ở phía đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân, các xe tải lớn không vào được làng nghề buộc các cơ sở phải vận chuyển hàng ra địa điểm đóng container vừa làm tăng chi phí lại ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…
Theo bà Đào Thu Vịnh - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - từ khi Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn ra đời, đã có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước giữa ngành công thương và ngành nông nghiệp tại các làng nghề, khiến các địa phương khó triển khai việc hỗ trợ cho các làng nghề. Ngoài ra, mở rộng mặt bằng sản xuất và xây dựng cho khu trưng bày sản phẩm, bãi đỗ xe… tại một số làng nghề có tiềm năng du lịch cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất và chi phí thuê đất tại các cụm công nghiệp cao.
Tập trung tháo gỡ
Để tháo gỡ những nút thắt cho các làng nghề phát triển, những năm qua, thành phố đã dành cho các làng nghề nhiều sự hỗ trợ, chủ yếu tập trung vào 4 vấn đề chính: đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động; hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất; xúc tiến thương mại và hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng. Theo đó, từ năm 2009 – 2013, khuyến công thành phố đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề cho 43.850 lao động; hỗ trợ 24 đề án đổi mới công nghệ, thiết bị cho các cơ sở sản xuất…Từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề trên địa bàn thành phố như Hanoi Gift Show; hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp làng nghề về phát triển mẫu mã sản phẩm; khảo sát, học tập và mở rộng phong trào mỗi làng một sản phẩm…
Riêng về hạ tầng của các làng nghề, bà Loan cho hay, với những làng nghề gắn với phát triển du lịch, thành phố quan tâm hỗ trợ 2 vấn đề lớn là trung tâm giới thiệu sản phẩm và bãi đỗ xe. Những làng nghề thiếu mặt bằng sản xuất, thành phố cũng đã có cơ chế hỗ trợ người dân di dời sản xuất vào các cụm công nghiệp nhưng vẫn lưu ý bảo tồn các yếu tố truyền thống. Cụ thể, với những công đoạn, mặt hàng sản xuất không gây ô nhiễm thì giữ nguyên tại làng nghề.
Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề trong các cụm công nghiệp, UBND thành phố đang yêu cầu các quận, huyện đã có các cụm công nghiệp, khẩn trương xem xét, giao cho doanh nghiệp thực hiện, hoặc thành lập Trung tâm phát triển cụm công nghiệp để tiếp nhận và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật sau đầu tư xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Hà Nội nên lựa chọn một sản phẩm làng nghề đăng ký bản quyền, xây dựng thương hiệu quốc tế nhằm nâng cao vị thế, quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội ra thế giới. |