Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị bên hành lang Hội nghị, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, hội nhập trong khu vực ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các DN trong lĩnh vực nông nghiệp của Thủ đô. Nếu không thay đổi tư duy thì các DN khó đủ sức cạnh tranh với DN ngoại.
Các DN đã phản ánh rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh tới cơ quan quản lý. Theo ông, khó khăn lớn nhất của các DN nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội hiện nay là gì?
- Theo tôi, khó khăn nhất của DN trong lĩnh vực nông nghiệp của TP hiện nay là tâm lý ngại đầu tư do tính rủi ro của sản xuất nông nghiệp cao, phụ thuộc vào thời tiết, giá cả biến động thường xuyên. Hiện nay, đa số mới chỉ có DN vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực này, còn DN lớn chưa chú trọng. Thứ nữa là đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Hiện, chúng ta chưa quản lý được đầu ra nên khi nào giá cả tăng cao, bà con lại đổ xô vào sản xuất mặt hàng đó dẫn tới dư thừa sản phẩm, được mùa mất giá.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT có phương án gì nhằm thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp?
- Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp có tính cạnh tranh và hiệu quả cao hơn, vừa qua, Sở NN&PTNT đã có đề xuất TP đưa ra chính sách hỗ trợ cho những DN ứng dụng công nghệ cao. Vì có ứng dụng công nghệ cao mới chắc chắn đảm bảo ATTP và hiệu quả sản xuất. Những DN này bước đầu sẽ khó khăn nhưng TP sẽ có hỗ trợ về lãi suất vay vốn 100% trong 3 năm đầu khi đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao. Hướng của Sở NN&PTNT đưa ra là dần dần giảm sản xuất nhỏ lẻ, tăng cường các vùng chuyên canh, tập trung hỗ trợ những DN đầu tàu.
Hiện nay, một số “đại gia”, DN lớn đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp Hà Nội. Theo ông, TP cần có cơ chế đặc thù gì để “hút” được các DN lớn này?
- Đối với Hà Nội, phải là những DN lớn với nguồn vốn lớn mới có khả năng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thành công trong lĩnh vực nông nghiệp. Để thu hút được các DN này, cần có chính sách tháo gỡ về đất đai, vì sản xuất lớn đòi hỏi phải có diện tích đất lớn. Hiện nay, so với mặt bằng các tỉnh, chi phí thuê đất sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cao hơn rất nhiều. Nếu là đất lúa theo quy định chuyển đổi để làm dự án cho DN thuê, chi phí san lấp, GPMB khoảng 270 triệu đồng đồng/sào, tương đương 10 tỷ đồng/ha. Nếu giữ giá thuê đất như hiện nay, các DN rất khó khăn trong phát triển cả trồng trọt lẫn chăn nuôi, kéo theo giá thành sản phẩm cao. Do đó, cần phải có cơ chế tạo điều kiện về đất đai, nhất là khai thác diện tích đất đồi gò để thu hút được DN lớn vào đầu tư, cộng với các chính sách khác như miễn thuế, hỗ trợ lãi suất đầu tư trong những năm đầu…
Xin cảm ơn ông!