Tại buổi giao lưu trực tuyến: "Tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong dồn điền đổi thửa" do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều 20/8, nhiều vấn đề đã được đại diện các sở, ngành trong Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP Hà Nội giải đáp cụ thể, rõ ràng.
Dồn điền đổi thửa theo đúng quy trình
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được TP xác định là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và chỉ đạo các địa phương quyết liệt thực hiện, nhất là trong 2 năm 2012 - 2013. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn một số địa phương gặp vướng mắc trong DĐĐT mà nguyên nhân chủ yếu là do cách làm chưa đúng quy trình.
Gửi câu hỏi tới buổi giao lưu trực tuyến, bà Phạm Thị Lan, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn thắc mắc: "Trước đây, xã Kim Lũ có rất nhiều hộ dân xây nhà trên đất 5% nhưng chưa bị xử lý. Nay thực hiện DĐĐT, nếu những hộ vi phạm đó không bị xử lý thì những hộ không vi phạm sẽ rất thiệt thòi. Liệu chúng tôi có thể đợi chính quyền địa phương xử lý xong vi phạm mới DĐĐT có được không?". Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Phát - Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Sở TN&MT) cho biết, theo quy định, việc thực hiện DĐĐT phải đảm bảo công khai, dân chủ, đoàn kết, giúp đỡ giữa các hộ, tôn trọng quyền lợi của các hộ nhận ruộng khoán theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Trong đó, gắn chuyển đổi ruộng đất với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân, thực hiện đúng Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Do vậy, các hộ dân cần tiếp tục thực hiện việc DĐĐT theo phương án, còn việc xử lý các hộ vi phạm, các cấp chính quyền sẽ thực hiện theo quy định.
Quang cảnh buổi Giao lưu - Tọa đàm chiều 20/8. Ảnh: Thanh Hải
|
Một vấn đề bất cập khác đã và đang nảy sinh ở các địa phương được nhiều độc giả quan tâm là sau DĐĐT vẫn còn tình trạng tranh chấp giữa chủ mới và chủ cũ của các thửa ruộng, gây tâm lý lo lắng cho người dân. Theo đại diện Chi cục PTNT Hà Nội, quy trình thực hiện công tác DĐĐT được hướng dẫn cụ thể tại Văn bản số 29/HD-SNN ngày 14/5/2012 của Sở NN&PTNT. Khi các hộ dân đã bốc thăm, nhận ruộng và đã sản xuất là chấp hành tốt chủ trương, chính sách của TP. Việc chủ ruộng trước đây tranh chấp để đòi lại ruộng, gây cản trở tới sản xuất của hộ dân khác là không đúng. Ngoài ra, trong trường hợp thực hiện DĐĐT có thu hồi phần diện tích VAC do các hộ dân đầu tư xây dựng trước đây cần căn cứ vào hiệu lực của hợp đồng và quy mô đầu tư để có hướng giải quyết đúng đắn, tránh gây thiệt thòi cho người dân.
Ông Lê Thiết Cương - Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU cho biết, đến nay, toàn TP đã thực hiện DĐĐT được gần 73.570ha, tăng so với kết quả thực hiện đến tháng 4/2014 là 232,38ha. Nhờ DĐĐT, diện tích đất sản xuất nông nghiệp dôi dư thu hồi được khá lớn. Cụ thể, toàn TP đã thu được 1.404ha đưa vào quỹ đất công của các xã. Đối với 3,08% diện tích chưa hoàn thành DĐĐT, ông Cương cho biết, TP đã đưa ra các giải pháp cụ thể đối với từng thôn, xã còn vướng mắc giao cho các địa phương thực hiện, đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành bố trí nguồn lực hỗ trợ đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng, đo đạc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với một số điểm nóng gây bức xúc trong Nhân dân, Ban Chỉ đạo đã cử cán bộ, tổ công tác xuống tận nơi nắm bắt tình hình và chỉ đạo giải quyết theo đúng trình tự quy định.
Tránh để nợ đọng xây dựng cơ bản
Ngoài vấn đề DĐĐT, tại buổi giao lưu trực tuyến, nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM cũng được độc giả và các địa phương quan tâm, đặc biệt là nguồn kinh phí thực hiện. Ông Trần Tuấn Long, huyện Phú Xuyên nêu vấn đề: "Tôi thấy hầu hết các tiêu chí chưa đạt NTM của nhiều địa phương đều là những tiêu chí cần nguồn kinh phí lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông… Trong khi đó, việc đấu giá đất gặp nhiều khó khăn và đóng góp từ nguồn vốn xã hội hóa trong xây dựng NTM cũng còn hạn chế. Xin hỏi Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của TP có giải pháp gì để tháo gỡ những vấn đề này?".
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Khải - Trường phòng Kế hoạch Nông nghiệp (Sở KH&ĐT) cho biết, trong 3 năm (2012 - 2014), mặc dù cân đối ngân sách khó khăn nhưng UBND TP đã ưu tiên bố trí 2.095,9 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Nguồn vốn này để bổ sung cho ngân sách huyện, thị xã trong đầu tư xây dựng hạ tầng NTM và hỗ trợ các xã thực hiện công tác DĐĐT, kiên cố hóa giao thông, thuỷ lợi nội đồng và đường giao thông thôn, xóm. Tuy nhiên, ông Khải cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguồn lực huy động xây dựng NTM hiện nay chủ yếu từ ngân sách các cấp (tỷ lệ trên 75%), việc đấu giá đất gặp nhiều khó khăn và đóng góp từ nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong điều kiện nguồn lực hết sức hạn chế, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 đã chỉ đạo các huyện, thị xã rà soát lại toàn bộ các đề án xây dựng NTM làm cơ sở để xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực. Trong đó, ưu tiên làm từ đồng vào làng và từ làng lên xã, đồng thời chọn những nội dung công việc chưa cần tiền hoặc cần ít tiền làm trước. Những công trình còn sử dụng được, mặc dù chưa đạt chuẩn, chưa khang trang, hiện đại, cần tiếp tục sử dụng và chỉ đầu tư mở rộng, nâng cấp khi đủ điều kiện về nguồn lực để đảm bảo không xảy ra nợ xây dựng cơ bản...
Bên cạnh đó, với những công trình trong diện xác định phải làm cũng cần rà soát, tính toán, lựa chọn hình thức, quy mô, kết cấu và biện pháp thi công đảm bảo tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, tiết kiệm vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đáng lưu ý là các địa phương cần tổ chức công tác giám sát cộng đồng thật tốt để đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình, tránh lãng phí, thất thoát vốn đầu tư. Đặc biệt, cần tuyên truyền sâu rộng, đa dạng hóa hình thức huy động sức dân với tinh thần tự nguyện, tránh tình trạng huy động quá sức nông dân.
Phấn đấu đạt chỉ tiêu nông thôn mới
Chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình xây dựng NTM. Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra 40% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2014 là một câu chuyện đáng bàn. Bởi hiện nay, trên địa bàn TP có 4 huyện, thị xã còn "trắng" xã NTM là Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Theo ông Lê Thiết Cương - Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội, việc chấm điểm xã đạt chuẩn NTM căn cứ vào Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 41/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có Hướng dẫn số 456/HD-SNN ngày 11/12/2013 về phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM TP Hà Nội.
Tuy nhiên, khi đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM, có địa phương chấm đạt, nhưng Hội đồng thẩm định TP chấm không đạt là do địa phương chấm lỏng. Mặt khác, có địa phương hiểu máy móc tiêu chí nên không chấm đúng điểm, chẳng hạn, đường ngõ, xóm phải được bê tông hóa mới chấm điểm tối đa, trong khi tiêu chí chỉ yêu cầu sạch, không lầy lội vào mùa mưa là đạt điểm tối đa... Bởi vậy, vừa qua, có 55 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên, qua đánh giá, chấm điểm, TP chỉ công nhận 50 xã, còn lại 5 xã chưa đạt. "Chính sách như nhau, hướng dẫn như nhau, nguồn lực như nhau nhưng có những nguyên nhân là do cách tổ chức triển khai ở địa phương chưa đúng trọng tâm, trọng điểm" - ông Lê Thiết Cương chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của độc giả về khả năng hoàn thành mục tiêu có thêm 62 xã đạt chuẩn NTM trong năm nay, ông Nguyễn Tuấn Khải - Trưởng phòng Kế hoạch Nông nghiệp (Sở KH&ĐT) nhận định, chỉ tiêu đề ra là trên cơ sở các địa phương đăng ký và kết quả rà soát của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP. Các xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM năm 2014 đều thuộc nhóm hoàn thành 14 - 18 tiêu chí, tích cực triển khai từ giai đoạn 2011 - 2013 và đã đạt kết quả tốt. Theo báo cáo của các huyện, thị xã, đến nay đã có 14 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 11 xã đạt và cơ bản đạt 18 tiêu chí; 20 xã đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí... Như vậy, việc phấn đấu hoàn thành 62 xã NTM trong năm nay như chỉ tiêu UBND TP giao là hoàn toàn khả thi và có cơ sở để thực hiện.