Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góc nhìn nhà giáo: Cần sự chia sẻ

Thủy Trúc ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mức thu học phí đại học (ĐH) theo quy định của Nhà nước hiện nay, GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, rất khó có thể nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

"Thời kỳ bao cấp, Nhà nước muốn dân nghèo được đi học ĐH, nên áp dụng chính sách học phí thấp. Nhưng ngày nay, nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đã bao lần các trường than phiền mức học phí thấp, Nhà nước đầu tư ít nên khó có thể cải thiện chất lượng đào tạo. Hiểu được điều này, đã bao lần Bộ GD&ĐT trình Quốc hội phương án tăng học phí nhưng đều bị bác bỏ. Tôi thấy, Bộ GD&ĐT khi trình đề án tăng học phí đã không giải thích cho các đại biểu Quốc hội biết nếu cứ thu ở mức thấp, đồng nghĩa với không công bằng. Học phí thấp thì các trường không đủ để chi phí đầu tư cho hoạt động đào tạo nên Nhà nước phải cấp thêm ngân sách. Mà nguồn ngân sách ấy được lấy tiền từ thuế của dân đóng, bao gồm người nghèo, người giàu. Nhưng đa phần người học ĐH ở tầng lớp trung lưu, như thế là lấy tiền của người nghèo.  Thế thì công bằng hay không?

"Chia sẻ chi phí giáo dục ĐH" là mô hình đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, chúng ta nên nghiên cứu. Chúng ta có quan niệm, giáo dục phổ cập từ bậc THCS trở xuống để người dân có kiến thức tối thiểu về luật pháp, văn hóa... để sống và làm việc, cũng như giúp Nhà nước điều hành được xã hội. Vì thế ở bậc học này, Nhà nước nên áp dụng chính sách miễn giảm học phí. Với giáo dục ĐH cần cho Nhà nước, xã hội, vì những người tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư ra trường là lực lượng lao động nghề nghiệp. Những người học ĐH cần cho xã hội và cho cá nhân mình, mỗi bên một phần. Khi có bằng ĐH, ra trường tìm được việc làm và thu nhập. Như thế, vì tương lai của mình thì không thể để Nhà nước bao cấp, mà cần có chia sẻ chi phí học tập theo công thức: Nhà nước và người học cùng đóng góp. Đồng nghĩa với việc, khi học phí cao thì mức hỗ trợ của Nhà nước cao. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng trong chia sẻ chi phí giáo dục ĐH. Hơn nữa, để đào tạo ĐH có chất lượng thì phải có một khoản tối thiểu như chi phí đơn vị, tức là mỗi năm một sinh viên ĐH cần bao nhiêu tiền để đào tạo. Trên thế giới người ta tính, những nước có trình độ phát triển như Việt Nam, chi phí đào tạo không cao lắm. Nếu tính giá trị tuyệt đối, thu nhập đạt 2.200 USD/năm 2015 thì học phí ĐH tương đương gần 46 - 60 triệu đồng cho một người học. Do vậy, theo quan điểm của tôi, việc nhà trường tăng học phí ĐH là tất yếu nhưng phải có lộ trình từ từ để xã hội chấp nhận được. Tất nhiên, việc tăng ấy phải công khai, minh bạch, nhưng trước hết, phải làm cho xã hội biết học phí ĐH cần được chia sẻ. Đối với những người không đủ khả năng đóng thì Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ như chính sách tín dụng sinh viên".