Kinhtedothi - Ngày 19/11, bên lề phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời báo chí về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội và khẳng định đây là hỗ trợ nhà ở cho người nghèo chứ không phải để cứu thị trường bất động sản.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện mới chỉ có 341 tỷ đồng (1,1%) trong gói 30.000 tỷ đồng được giải ngân. Bộ trưởng có cho rằng, tốc độ giải ngân như vậy là quá chậm? - Hiện nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn. Đến năm 2020, cả nước cần hơn 1 triệu căn hộ, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi nơi cần hơn 100.000 căn. Muốn đáp ứng được nhu cầu này phải có cung, nhưng nguồn nhà xã hội rất ít. Nước ta còn nghèo nên vốn ngân sách Nhà nước còn khó khăn nên gói tín dụng này cũng phải đúng đối tượng, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng để tham nhũng, đây là vấn đề đang bị dư luận lên án. Một vấn đề nữa cần phải nói rõ, gói 30.000 tỷ đồng này là thể hiện sự quan tâm của Chính phủ nhằm hỗ trợ nhà ở cho người nghèo chứ không phải gói này mang ra để cứu thị trường bất động sản như nhiều người vẫn nghĩ. Với chương trình đầu tư này, theo Bộ trưởng liệu có tạo nên những dạng công trình nhà ở kém chất lượng, kiến trúc không được như mong muốn? - Không có chuyện đó. Nhà ở xã hội hiện nay khác rất nhiều nhà ở xã hội mà trước nay vẫn quan niệm. Đó là nhà ở thị trường phi hàng hóa. Có cung, có cầu, có cạnh tranh nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước. Người dân tiếp cận thì được mua với giá thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đó. Nhưng có cạnh tranh, đơn vị làm nhà ở xã hội mà làm kém thì người dân sẽ không mua, thất bại, nên cũng phải làm cẩn thận. Có những nước làm nhà ở xã hội chất lượng kém nhưng ta rút kinh nghiệm, phải làm nhà ở xã hội chất lượng tốt. Như khu nhà ở Đặng Xá (Hà Nội), người ta không thể phân biệt nhà ở xã hội ở đó với nhà ở thương mại. Nhà đầu tư vừa phải làm được, vừa phải có lãi, chúng ta cũng mong muốn như vậy.Xin cảm ơn Bộ trưởng!