Gói hỗ trợ phí, lệ phí 1.000 tỷ đồng: Bớt gánh nặng cho doanh nghiệp

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư số 120/2021/TT-BTC (Thông tư 120) quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 được đánh giá là chính sách hỗ trợ sát sườn, khích lệ động viên DN vực dậy sau đại dịch.

Hỗ trợ nhỏ, ý nghĩa lớn

Theo Thông tư 120, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm 10 - 50% so với quy định hiện hành, bao gồm các lĩnh vực như: Du lịch, xây dựng, vận tải, phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm; phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phí cấp căn cước công dân; phí sử dụng đường bộ; phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB; phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy; phí trong lĩnh vực y tế; phí trong chăn nuôi...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm, đó là: Giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa; giảm 20% phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất…

Tổng số tiền dự kiến sẽ được giảm nhờ gói hỗ trợ này là trên 1.000 tỷ đồng. Với việc áp dụng giảm phí trên nhiều lĩnh vực cốt lõi và áp dụng ngay từ đầu năm, gói hỗ trợ này có ý nghĩa giúp DN tiết giảm nhiều chi phí.

 

Mặc dù số tiền được miễn giảm không lớn nhưng tiếp sức rất nhiều cho DN. Chúng tôi mong,  các mức giảm này sẽ được duy trì trong thời gian dài để DN có thời gian hồi phục"

Ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và thương mại Sông Hồng.

Vận tải là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Theo quy định phòng dịch, mỗi phương tiện vận chuyển hành khách chỉ được phục vụ tối đa 50% công suất. Để hỗ trợ cho nhóm đối tượng DN này, tại Thông tư 120 hàng loạt loại phí trên tất cả khía cạnh khác nhau như bến bãi, cảng biển, tàu thuyền, đường sắt, đường thủy… đều được giảm sâu.

Ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và thương mại Sông Hồng cho biết, trong năm 2021, doanh thu từ ngành vận tải của công ty sụt giảm 70% vì Covid-19. Vì vậy, khi được miễn giảm một số loại thuế phí về phí sử dụng đường bộ, phí đăng kiểm… có ý nghĩa rất lớn với DN. Mặc dù số tiền miễn giảm không lớn, nhưng đại diện DN này cũng mong muốn các mức giảm này sẽ được duy trì trong thời gian dài để DN có thời gian hồi phục.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS đánh giá, các khoản phí, lệ phí được giảm tuy không lớn, đa phần từ 1 đến 10 triệu đồng, tuy nhiên khi được giảm tới 50%, các khoản này cũng có ý nghĩa giảm gánh nặng cho DN. Đặc biệt đối với DN nhỏ, startup có nguồn lực hạn chế, phải thực hiện nhiều thủ tục trong 1 năm, cộng các khoản phí vào cũng là một con số khá là lớn với họ.

Giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu

Với việc miễn giảm 37 khoản phí, lệ phí, dự kiến thu ngân sách nhà nước bị giảm đi khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, đây là giải pháp để hỗ trợ cho nhiều DN tại các lĩnh vực cốt yếu vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất sau dịch. Mặc dù trước mắt có giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ mang lại hiệu quả tích cực về sau, có ý nghĩa nuôi dưỡng nguồn thu. Sau khi vượt qua khó khăn, DN tích luỹ nhiều hơn sẽ quay lại đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, năm 2021 ngành Thuế thu ngân sách vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng. Ước thu năm 2021 của các cục thuế, có 63/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021. Năm 2022 Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách cho ngành thuế là 1.174.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, dự kiến thu ngân sách năm 2022 vẫn tiếp tục khó khăn. Dự kiến gói kích cầu Chính phủ trình Quốc hội về miễn giảm thuế trong năm 2022 lên tới 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, ngành Thuế sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ và 25 giải pháp, trong đó tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022, đại diện ngành thuế cho biết sẽ tập trung tăng cường hiệu quả quản lý, thu hồi nợ thuế, tính toán phù hợp với bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19.