Đây được đánh giá là một động thái tích cực của Nhà nước, trong đó, các DN BĐS sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích thích kinh tế này.
Nút thắt được mở
Dịch Covid-19 đang làm đảo lộn, gián đoạn tất cả các hoạt động của thị trường BĐS, từ công tác sản xuất đến tiếp thị, quảng bá và bán hàng. Từ đó làm tăng nguy cơ các DN BĐS bị thua lỗ và dẫn tới phá sản, trong khi đó Chính phủ vẫn quyết tâm phải đạt được mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa nỗ lực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
“Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết định sử dụng gói tài chính kích cầu trị giá 250.000 tỷ đồng. Đây là quyết định vô cùng đúng đắn, kịp thời giúp cho DN nói chung, trong đó có DN BĐS có thể cân đối được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh” – Phó Giám đốc Công ty IP Land Trần Quốc Việt nhìn nhận.
Tổng Giám đốc PhoSonLand Vũ Quang Vinh cho rằng, BĐS là một trong những ngành có đóng góp lớn vào nền kinh tế, ước tính lĩnh vực này chiếm khoảng 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Thị trường BĐS có giá trị tạo động lực và gia tăng sự đóng góp của các thị trường khác, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính – tiền tệ, xây dựng, vật liệu xây dựng, lao động, du lịch...
Khi thị trường BĐS suy giảm, kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Việc Chính phủ ban hành gói kích cầu 250.000 tỷ đồng xem như đã mở một nút thắt quan trọng dành cho các DN nói chung và DN BĐS nói riêng. Trong bối cảnh thị trường BĐS không chỉ chịu ảnh trực tiếp từ đại dịch Covid-19, mà vẫn còn dư âm khó khăn của năm 2019, gói hỗ trợ tín dụng này được xem là “cứu cánh” giúp cho nhiều DN thoát khỏi nguy cơ phá sản” – ông Vinh nhận định.
Cần hài hòa về lợi ích
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 2 tháng đầu năm, trên 16.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019). Trong khi số DN đăng ký mới cũng giảm về quy mô vốn và quy mô lao động. Giá cả nguyên vật liệu gia tăng, nguồn hàng bị đứt khiến sản xuất đình trệ là tình trạng chung khiến DN lớn, nhỏ đang lao đao do dịch Covid-19.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành cho biết, những nguy cơ của dịch bệnh tác động đến sự tồn vong của DN đang ngày một rõ ràng. Nhưng việc sử dụng gói tín dụng 250.000 tỷ đồng trong thời điểm này cũng cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh để một số DN lợi dụng để trục lợi từ nguồn vốn.
“Trên thực tế, đã có rất nhiều DN BĐS đã lợi dụng vào các quan hệ của mình để nâng giá trị tài sản thế chấp khi thực hiện vay vốn tại các ngân hàng, dẫn đến việc xác định mức cho vay vượt quá giá trị của tài sản thế chấp. Đây là nguy cơ lớn dẫn đến tình trạng nợ nấu và rủi ro tín dụng cho Nhà nước” – ông Thành nhìn nhận.
Việc nâng giá trị tài sản thế chấp khá phổ biến trong các hợp đồng tín dụng cho vay hiện nay giữa các ngân hàng thương mại và DN BĐS. Bất cập này do DN lợi dụng bảng khung giá đất của Nhà nước không đồng nhất với giá đất thực tế trên thị trường. Vì vậy, khi Chính phủ mở gói tài chính kích cầu 250.000 tỷ cũng sẽ tạo thời cơ cho nhiều DN BĐS dựa vào đó để được vay vốn ưu đãi để có thể bù lấp vào những khoản vay với lãi suất cao hơn vào thời điểm trước.
Chuyên gia tài chính, TS Đoàn Văn Cương cho rằng, DN BĐS nói riêng và các DN nói chung cần phải hiểu đây là gói tín dụng thương mại, DN được vay với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường chứ không phải chương trình hỗ trợ vốn của Nhà nước. Vì vậy, DN cần phải có sự chia sẻ và hy sinh về lợi nhuận.
“Việc thực hiện gói hỗ trợ tài chính của Nhà nước ở thời điểm hiện tại có ý nghĩa rất lớn nhưng cũng cần phải có sự hài hòa lợi ích của cả DN và Nhà nước. Nhà nước cần phải xác định đúng đối tượng cần được thụ hưởng, tránh việc DN sử dụng nguồn vốn để đáo hạn nợ xấu, gây rủi ro cho thị trường tài chính và gia tăng lạm phát của đất nước” – ông Cương nhận định.
Cũng theo TS Đoàn Văn Cương, những năm gần đây, giá BĐS tăng vọt, vượt quá khả năng chi trả của một bộ phận lớn những người có thu nhập trung bình, thấp. Các dự án nhà ở thương mại giá rẻ ngày càng khan hiếm trên thị trường, các dự án nhà ở xã hội gần như “đóng băng” do thiếu vốn. Vì vậy, Nhà nước nên cân nhắc thông qua gói kích cầu này hỗ trợ các dự án nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội.
“Từ khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội chấm dứt, các cơ quan quản lý Nhà nước rất đau đầu với việc bố trí thêm các gói tài chính cho phân khúc này. Theo tôi, gói kích cầu lần này là thời cơ tốt để Nhà nước tạo điều kiện cho các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội phát triển, nhằm hỗ trợ cho cả người nghèo, chứ không chỉ riêng DN. Tránh trường hợp “nước chảy chỗ trũng” tiền vốn vay lại chỉ tập trung vào các DN BĐS kinh doanh mặt hàng trung, cao cấp” – ông Cương nhìn nhận.
"Gói hỗ trợ tài chính có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm hiện tại nhưng cần phải có hiệu lực ngay đối với các DN. Để giải quyết được tốt, vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính cần tiếp tục được cải cách, tinh giản và rút gọn, giảm chi phí, giúp các DN thực sự có nhu cầu được tiếp cận với nguồn vốn, tránh trường hợp sử dụng vốn để trục lợi trong hoàn cảnh hiện nay." - Luật sư Nguyễn Hồng Thơm - Hội Luật gia Việt Nam |