Gói thực phẩm bằng lá chuối, túi tự hủy: Đừng để “đầu voi, đuôi chuột”

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sử dụng lá chuối, túi tự hủy bao gói hàng hóa thay cho sử dụng túi nylon đã mở ra hướng kinh doanh xanh, góp phần bảo vệ môi trường được nhiều cửa hàng, siêu thị áp dụng sau khi được các cấp, ngành phát động. Thế nhưng, qua gần một tháng triển khai chương trình này đang có chiều hướng "đầu voi, đuôi chuột".

Siêu thị Big C thí điểm bọc rau bằng lá chuối góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoài Nam
Lác đác lá chuối bó rau trong siêu thị

Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại các siêu thị trong các ngày từ 23 - 25/4 cho thấy, đa phần các siêu thị vẫn sử dụng túi nylon để bao gói rau, chỉ lác đác vài bó rau được gói bằng lá chuối, còn các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá… đều vẫn được bỏ trong túi nylon. Tại siêu thị BigC Thăng Long chỉ có vài mớ hành lá, rau thơm được quấn ngang bằng mảnh lá chuối, trong khi hàng loạt loại rau củ khác như rau cải, bắp cải, ngọn su su, rau cải, mùi tàu… vẫn bao gói bằng túi nylon. Ở siêu thị Lotte Mart, mặc dù lá chuối được sử dụng cho nhiều loại rau thơm, dưa chuột, mướp đắng nhưng số lượng sản phẩm gói bằng lá chuối vẫn khiêm tốn so với lượng hàng hóa đang được bọc bằng các loại túi nhựa.
Cần cấm triệt để các loại túi nylon không thân thiện với môi trường, qua đó sẽ kích thích sản xuất và sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn. Ngược lại, nếu túi nylon vẫn tồn tại, cả hai đối tượng sản xuất và tiêu dùng đều không có động cơ tìm kiếm sản phẩm thay thế thì sẽ không giải được bài toán hạn chế túi nilon.

TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế

Trong số các siêu thị sử dụng lá chuối bao bọc rau xanh, Co.op Mart là siêu thị sử dụng nhiều hơn cả, hầu hết các loại rau xanh, rau thơm ở đây đều được bao gói bằng lá chuối. Giám đốc phụ trách Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Hệ thống siêu thị Co.op Mart đặt mục tiêu trong năm 2019 thay toàn bộ túi nylon đựng rau củ, thịt cá tươi sống bằng các loại lá như lá chuối, lá sen, bao bì giấy hoặc túi nylon tự hủy.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, trao đổi với phóng viên, bà Kim Ngân ở quận Cầu Giấy cho biết: Việc siêu thị gói rau bằng lá chuối khiến người tiêu dùng có cảm giác đi chợ quê và gần gũi với thiên nhiên, thế nhưng sau những ngày đầu triển khai hiện số sản phẩm được gói bằng lá chuối chỉ có ở vài mặt hàng. “Để người tiêu dùng hưởng ứng, các siêu thị nên coi đây là việc làm thường xuyên, không phải là một chiến dịch nhất thời, nên áp dụng trên nhiều mặt hàng và duy trì lâu dài, bền vững qua đó chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng”- bà Kim Ngân bày tỏ.

Túi nylon tự hủy vẫn chứa hạt nhựa

Bên cạnh việc sử dụng lá chuối bao bọc rau xanh, các siêu thị đều đặt mục tiêu sử dụng túi nylon tự hủy thay thế túi nylon thông thường nhưng nhiều khách hàng vẫn chưa mặn mà với loại túi này bởi giá bán cao hơn loại thông thường. Loại túi này tuy mỏng nhưng có độ dai, bền tương đương túi nylon truyền thống, giá bán cao gấp 2 - 3 lần so với túi nylon đang bán trên thị trường. Hiện túi đựng thực phẩm tự hủy sinh học do Việt Nam sản xuất có giá từ 50.000 - 90.000 đồng/cuộn, túi nhập khẩu từ châu Âu có giá từ 110.000 đồng/cuộn.

Nói về túi nylon tự hủy nhiều nhà nghiên cứu khoa học nêu rõ: Mặc dù những loại túi này có thời gian tự hủy khá nhanh nhưng do có chứa thành phần của nylon nên chỉ phân rã nylon ra thành từng mảnh nhỏ chứ không thể phân hủy hoàn toàn. TS Vũ Minh Đức - Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Nguyên liệu chính để làm ra túi nylon tự hủy là bột sắn, kết hợp với các hạt vi nhựa (chiếm khoảng 40 – 50%) và các thành phần khác như chất phụ gia phân hủy. Vì vậy, dù thành phần nhựa ít hơn túi nylon thông thường, nhưng thực chất loại túi nylon tự hủy vẫn là túi nylon, được cho thêm chất phụ gia để đẩy nhanh quá trình phân rã, tùy theo điều kiện môi trường loại túi này có thể phân rã trong thời gian từ 6 tháng đến 2 năm. Hơn nữa các chất nhựa cũng không mất đi mà chủ yếu trở thành những hạt nhựa siêu nhỏ bay vào không khí.

Thực tế cho thấy dùng túi nylon tự hủy sinh học có chứa thành phần nhựa, không phải là giải pháp căn cơ. Muốn bảo vệ môi trường, các cơ quan quản lý Nhà nước bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông tác hại khi sử dụng túi nylon nên khuyến khích DN, người tiêu dùng sử dụng túi giấy hoặc bao bì làm bằng nguyên liệu tự nhiên như cói, tre... thay thế đồ nhựa. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nên đánh thuế cao đối với những sản phẩm nhựa và chứa chất nhựa, có như vậy DN sản xuất và người dân mới hạn chế sản xuất, sử dụng túi nylon hoặc các sản phẩm có chất làm bằng nhựa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần