Google phát triển hệ thống Im2Calories có thể nhận diện thức ăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại sự kiện Re-Work diễn ra hồi đầu tuần, nhà nghiên cứu Kevin Murphy tại phòng thí...

Kinhtedothi - Tại sự kiện Re-Work diễn ra hồi đầu tuần, nhà nghiên cứu Kevin Murphy tại phòng thí nghiệm Google đã tiết lộ dự án trí thông minh nhân tạo Im2Calories, sử dụng thuật toán nhận thức sâu và phức tạp để phân tích ảnh chụp thức ăn và ước tính có bao nhiêu calories chứa trong đó.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong một thí dụ, sau khi phân tích hình ảnh, Im2Calories sẽ nhận diện được bên trong đó có 2 quả trứng, 2 cái bánh kếp và 3 mảnh thịt heo xông khói. Do mỗi mảnh thức ăn đều tương ứng với các đơn vị đo lường khác nhau nên hệ thống sẽ đo kích thước của từng cái trong mối tương quan về tỷ lệ với độ lớn của vật chứa (bát, dĩa,…) và những loại gia vị khác nếu có. Và từ các dữ kiện này, hệ thống sẽ ước tính số lượng calories chứa trong dĩa thức ăn một cách tương đối.

Im2Calories có thể hoạt động mà không đòi hỏi hình ảnh nguồn có chất lượng quá cao và theo Murphy, chỉ cần một hình ảnh trên Instagram cũng có thể được dùng để phân tích. Trong quá trình phân tích, hệ thống sẽ xác định độ sâu của từng điểm ảnh trong hình ảnh nhằm nhận diện ra hình thái của vật thể. Sau khi nhận diện thành công, nó sẽ tiến hành xác định tỷ lệ chung về kích thước và kết hợp với cơ sở dữ liệu khổng lồ về hàm lượng calories để tính toán tổng số mà người dùng có thể hấp thụ khi ăn.

Murphy thừa nhận rằng có thể ban đầu Im2Calories sẽ nhận diện không chính xác các loại thực phẩm cũng như số lượng calorries. Tuy nhiên, ông cho rằng mọi người sẽ đón nhận nó như một nhật ký ăn uống hàng ngày và hiệu suất hoạt động của Im2Calories sẽ được cải tiến bởi chính người dùng qua thời gian. "Khả năng của nó là bán tự động và trong nhiều trường hợp, nó sẽ nhận diện sai giữa trứng chiên và kho,… Chỉ cần người dùng sử dụng nó 30% thời gian ăn uống, chúng tôi sẽ thu thập dữ liệu và dần hoàn thiện nó."

Và trong tình huống xấu nhất là Im2Calories sẽ không bao giờ trả về kết quả chính xác, nhưng Murphy vẫn lạc quan cho rằng nó vẫn có tác động nhất định đến thói quen ăn uống của người dùng. Ông chia sẻ: "Tôi cho rằng dù sao đi nữa thì đây là một ứng dụng hữu ích và mọi người đều cần nó. Chỉ cần chúng ta giảm đi 20% năng lượng trong mỗi bữa ăn, có thể trong nhất thời không thấy hiệu quả nhưng sẽ là thay đổi lớn trong 1 tuần, 1 tháng hoặc 1 năm. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội thu thập thông tin tư fnhieeuf người và hình thành nên các bảng thống kê. Đây thật sự là một công cụ hữu ích đối với các nhà nghiên cứu dịch tễ học, dinh dưỡng học và y tế cộng đồng."

Hiện tại, Google vừa đệ trình bằng sáng chế cho Im2Calories và Murphy không thể chia sẻ thêm bất cứ thông tin nào khác xoay quanh công cụ này, đồng thời ngày phát hành cũng nằm trong vòng bí mật. Tuy nhiên, đây là một hệ thống đầy hứa hẹn và đáng để chờ đợi trong tương lai. Trước đây chúng ta đã chứng kiến nhiều ứng dụng của AI, bao gồm cả công nghệ nhận thức sâu, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều ứng dụng mang ý nghĩa thực tiễn. Murphy cho rằng: "Kỹ thuật của Im2Calories không chỉ áp dụng đối với thức ăn mà sẽ còn mở rộng ra nhiều thứ khác. Điển hình như có thể dùng để xác định vị trí, đếm số xe, nhận diện chính xác thuộc tính của xe,… từ đó có thể phân tích hình giao thông, dự đoán thói quen giao thông,…"