Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góp ý Đề án đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Ngày 12/11, tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, Ban Tổ chức Trung ương đã khai mạc các Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.

Hội nghị tổ chức tại Hà Nội do đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo và vụ trưởng (trưởng ban) tổ chức cán bộ một số ban cán sự đảng, đảng đoàn bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy và Trưởng ban Tổ chức các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực phía bắc. 
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước là một nhiệm vị đặc biệt quan trọng của Đảng ta. Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng và là khâu khó nhất. Đánh giá cán bộ là tiền đề để làm tốt công tác phát hiện, tuyển chọn, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật cán bộ, giúp cán bộ phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, tiến bộ không ngừng. 
Mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án là đánh giá thực trạng xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lãnh đạo quản lý và tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý nói chung và cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hiện nay, tập trung đi sâu phân tích những mặt bất cập, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đề án đề xuất khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí khung đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trọng thời kỳ hiện nay, làm cơ sở để các cấp, các ngành cụ thể hóa, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp. 
Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; đánh giá về thực trạng xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong thời gian qua; quan điểm, nguyên tắc, đề xuất khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ và khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 
Các đại biểu tập trung đi sâu thảo luận, cho ý kiến về xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - đây là nội dung trọng yếu của Đề án. Khung tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được xây dựng với 2 nhóm tiêu chí chính: phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách được giao. Các đại biểu nhấn mạnh việc xây dựng các tiêu chí đánh giá cán bộ cần bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa XI và khóa XII) về xây dựng Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
Tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung, quy trình về công tác cán bộ.
* Phát biểu tại Hội nghị tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: “Đề án đánh giá cán bộ là một trong những đề án hết sức quan trọng trong công tác tổ chức, cần phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, vì đây là một vấn đề lớn. Chúng ta cần phải cùng với trung ương chuẩn bị kỹ để khi ban hành chủ trương này phù hợp sát đúng với thực tiễn của các địa phương”.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý sửa đổi quy trình bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử; xem xét rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình này; sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định, bổ sung rà soát quy hoạch cán bộ. Đa số ý kiến góp ý tại hội nghị đều đánh giá đề án được chuẩn bị công phu, khoa học và cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo đề án. Nhiều ý kiến khẳng định, trong công tác tổ chức cán bộ, việc đánh giá cán bộ là rất quan trọng. Cái mới của đề án là đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trước tiên phải đề xuất đánh giá cán bộ cấp dưới trước; đồng thời quy định cấp dưới đánh giá cấp trên; kết hợp xin ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp và cấp uỷ nơi cư trú trước khi tập thể cấp uỷ đánh giá, gửi cấp có thẩm quyền thẩm định và quyết định.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ đánh giá từng chức danh trong cùng nhóm tỉnh, thành có điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội tương đồng đối với từng cán bộ. Việc dự thảo đề án đưa ra một số tiêu chí để lượng hoá các tiêu chuẩn đánh giá cán bộ là cách làm khoa học, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, cụ thể được nhiều đại biểu đánh giá cao.
* Sáng cùng ngày,  Ban Tổ chức Trung ương cũng đã tổ chức Hội nghị  tại Đà Nẵng dưới sự chủ trì của đồng chí ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý về nội dung đối tượng, phạm vi của Đề án; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm, nguyên tắc và đề xuất khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ; thảo luận các nhóm tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật và cam kết giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.