Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góp ý Luật Giáo dục sửa đổi: “Nóng” chuyện nâng lương, miễn học phí

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (lần 2) diễn ra sáng 5/12 tại Hà Nội thu hút sự tham dự của 15 Sở GD&ĐT các tỉnh phía Bắc.

Ngoài kiến nghị, bổ sung thêm cán bộ, quản lý làm việc tại các phòng giáo dục được hưởng lương, bậc lương cao nhất, nhiều ý kiến đề xuất miễn học phí đối với bậc mầm non và học sinh (HS) các trường dân lập.
Nâng lương để thu hút nhân tài

Ông Trần Quang Vượng - đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2017 có tới 26 giáo viên viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục. Trong khi đó, năm 2005 chỉ có 6 giáo viên xin thôi việc. Con số này cho thấy, nghề sư phạm không còn là lựa chọn sáng giá. Để xảy ra việc này, thực tế có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó có việc lương giáo viên quá thấp. Đây cũng là quan điểm của ông Phan Xuân Quyết - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên. Ông Quyết cũng như đội ngũ nhà giáo rất vui mừng khi trong dự thảo luật lần này có đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bản thân ông mong muốn lương nhà giáo được quan tâm và cải thiện hơn so với tình hình hiện nay. Nếu thực hiện được điều này thì nhất định ngành sư phạm sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn. Đại biểu đến từ Thanh Hóa cũng cho rằng việc nâng lương với nhà giáo rất cần thiết.

Một giờ học của cô và trò trường Tiểu học Tân Hưng (Sóc Sơn - Hà Nội).  Ảnh: Trung Đức

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất thay đổi khái niệm nhà giáo, để người quản lý giáo dục cũng được hưởng chế độ chính sách ưu tiên, để thu hút người giỏi về làm cán bộ quản lý. Bởi trên thực tế, tại nhiều địa phương gặp phải khó khăn là muốn chuyển giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm lên làm chuyên viên cấp sở, phòng nhưng nhiều người từ chối. Lý do là bởi khi chuyển lên làm chuyên viên sẽ không được hưởng chính sách lương thâm niên nhà giáo

Mở rộng đối tượng miễn học phí

Bên cạnh đề xuất miễn học phí đến bậc THCS, nhiều đại biểu kiến nghị nên bổ sung, xem xét miễn học phí cho trẻ bậc mầm non, đặc biệt, miễn học phí cho HS học các trường dân lập từ bậc mầm non đến THCS. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Long - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam cho biết: “Nếu đề xuất miễn đóng học phí, Bộ GD&ĐT nên mở rộng đối tượng miễn học phí đến cấp mầm non. Nếu không thể được, có thể nghiên cứu đề xuất miễn học phí đến đối tượng phổ cập (hiện đã phổ cập đến trẻ mầm non 5 tuổi)”.

Còn một hiệu trưởng trường mầm non ở Bắc Ninh mong muốn cấp học mầm non được miễn phí như tiểu học. Nhiều nước trên thế giới hiện nay đặc biệt ưu tiên lứa tuổi mầm non. Việc miễn học phí tạo điều kiện cho cả gia đình và nhà trường trong công tác dạy và học, đặc biệt ở những vùng, sâu, vùng xa, việc huy động trẻ đi học còn nhiều khó khăn.

Xung quanh đề xuất miễn học phí bậc mầm non, bậc THCS, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại kiến nghị, nên xem xét miễn hoặc có hình thức hỗ trợ đối với HS học tập tại các trường dân lập để tạo sự bình đẳng, giúp các em không bị thiệt thòi. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh đồng đều, bình đẳng về phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là đề xuất của đại diện Sở GD&ĐT các địa phương khác.