GS.TS Từ Sỹ Sùa |
- Theo tôi, bao giờ cũng phải lường trước được những diễn biến mới, phức tạp xảy ra, từ đó chuẩn bị sẵn những giải pháp đối phó sao cho đúng. Còn việc tài xế, người dân tìm cách đối phó với lực lượng chức năng bằng chiêu trò này, thủ thuật kia là điều xưa nay không phải hiếm. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Các lực lượng chức năng có đủ phương án cũng như nghiệp vụ để phát hiện những chiêu trò đối phó kiểu này.
Cũng cần phải thấy thêm rằng, trên thực tế, ở các nước phát triển trên thế giới, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng được thực hiện bằng hình thức tương tự chúng ta đang làm. Nghĩa là cách làm của chúng ta đang gần tiệm cận với mức chuẩn của thế giới rồi. Mà đã chuẩn thì không sợ bị đối phó.
Nhiều ý kiến lo ngại hiệu quả xử phạt vi phạm nồng độ cồn sẽ khó duy trì được khi đợt cao điểm ra quân qua đi. Cá nhân ông có suy nghĩ gì?
- Ý kiến đó không phải không có cơ sở. Bởi đúng là từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường hay rơi vào tình trạng như vậy đối với công tác triển khai các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông. Chẳng nói đâu xa, trước đây chúng ta cũng từng triển khai các đợt ra quân rầm rộ để xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Nhưng khi đợt ra quân kết thúc, vi phạm vẫn quay trở lại. Vấn đề chính là chúng ta phải xác định, ra quân xử lý vi phạm chỉ là giải pháp phần ngọn. Còn để giải quyết tận gốc thói quen sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông cần có giải pháp đồng bộ, lâu dài. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Theo thời gian, khi nhận thức dần được nâng cao, thói quen xấu cũng dần bị đào thải.
Việc tuyên truyền những quy định mới của Nghị định 100/NĐ-CP chưa thật sự hiệu quả. Bằng chứng là không ít ý kiến thắc mắc của các tài xế đã được đưa ra. Theo ông nhận định như vậy có đúng không?
- Đây là hạn chế lớn nhất từ khi triển khai Nghị định 100/NĐ-CP. Vẫn phải nhắc lại rằng hiện tượng dùng nồng độ cồn ở nước ta còn rất phổ biến và đây cũng là nguyên nhân gây tai nạn giao thông chiếm tỉ trọng cao. Do đó, việc tăng chế tài xử phạt như trong Nghị định 100/NĐ-CP là vô cùng cần thiết. Chỉ có điều cần tăng cường hơn công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và chấp hành một cách thoải mái, tự nguyện, không còn băn khoăn hay chưa hiểu điều gì.
Tôi lấy ví dụ như thông tin về việc trích 70% tiền xử phạt cho lực lượng CSGT để mua sắm trang thiết bị. Thông tin này dù sau đó đã được đại diện Cục CSGT giải thích lại rõ ràng là không chính xác nhưng việc trước đó cũng đã xảy ra rất nhiều tranh cãi trên mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông về thông tin này. Đây là điều không nên có bởi nó dễ làm cho người ta dễ suy diễn theo chiều hướng thiếu tích cực. Đây chính là hạn chế của công tác tuyên truyền.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hiệu quả như ông nói?
- Theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là do thời gian từ lúc Nghị định được ký ban hành đến lúc có hiệu lực quá ngắn. Thông thường, các văn bản pháp luật sau khi được ký ban hành đều có một khoảng thời gian tương đối để người dân làm quen.
Đây cũng chính là thời gian dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định trong văn bản pháp luật mới. Điều này là vô cùng cần thiết giúp người dân nắm rõ luật, có sự so sánh với những quy định trong văn bản pháp luật trước đó để điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, Nghị định 100/NĐ-CP được ký ban hành vào ngày 30/12/2019 và đến 1/1/2020 đã có hiệu lực, tức là chỉ có 2 ngày để cả các cơ quan thực thi pháp luật cũng như người dân được làm quen với những quy định mới trong Nghị định. Theo tôi, thời gian như thế là quá ngắn hay như có người nói là làm cho người dân “không kịp trở tay”.
Đáng lẽ cần phải có một thời gian dài ít nhất là phải 1 tháng để người ta tuyên truyền, giáo dục, có sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị như Hiệp hội Vận tải ô tô, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… để người ta tuyên truyền, từ đó giúp người dân hiểu rõ về những quy định mới trong Nghị định. Chứ còn chỉ trong hai ngày thì chưa hợp lý. Thậm chí có người còn nói, đây là “đè” người dân ra để phạt.
Gần đây trong dư luận có thông tin một số quán nhậu, nhà hàng đang có ý tưởng thành lập những đội tài xế lái thuê riêng với nhiệm vụ chuyên chở “xế hộ” những người uống rượu bia về nhà. Ông đánh giá thế nào về mô hình này?
- Tôi cũng nghe nói nhiều về điều này nhưng tôi cho rằng thành lập như thế có thể thu hút được khách hàng nhưng cần phải xem lại về vấn đề pháp lý. Bởi sẽ có không ít bất cập phát sinh mà nếu hậu quả xảy ra thì khó đảm bảo về mặt pháp lý. Từ khâu tuyển chọn người đến quản lý đội ngũ này là cả vấn đề. Nếu trong trường hợp đưa hành khách về xảy ra mất mát về tài sản hay rủi ro gì trên đường đi thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Ngoài ra còn có trường hợp lợi dụng khách say, thay vì đưa họ về nhà lại đưa họ đến các chỗ ăn chơi không lành mạnh. Theo tôi cần một chế tài rõ ràng, quy định cụ thể về mặt pháp luật, ai là người được tham gia dịch vụ đưa đón khách nhậu về. Có thể đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể, sát hạch chặt rồi căn cứ vào kết quả, ai đủ điều kiện thì cấp thẻ hành nghề cho họ.
Tóm lại, theo tôi Nghị định 100/NĐ-CP đã thể hiện được nhiều sự ưu việt trong việc đấu tranh, loại trừ vấn nạn sử dụng bia rượu khi lái xe. Tuy nhiên, để Nghị định được hoàn thiện, hoàn hảo hơn thì có lẽ cứ triển khai, vướng đâu thì sửa đấy cho đến khi những quy định trong nghị định thật sự hoàn chỉnh, phù hợp và chặt chẽ nhất.
Xin cảm ơn ông!