Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Người ta chỉ nhớ đến rừng khi xảy ra lũ lụt

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), đã chia sẻ như trên với Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung thời gian qua.

 GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam).
Điều gì đã khiến các tỉnh miền Trung hứng chịu đợt mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua, thưa giáo sư?

- Thiên tai xảy ra tại các tỉnh miền Trung có thể xem là hệ quả của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với những dự báo. Ở đó, Việt Nam được xác định là một trong năm quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, một nguyên nhân không thể bỏ qua là tác động tiêu cực của con người lên tự nhiên, mà ở đây là tài nguyên rừng.

Nhà nước khuyến khích phát triển đa dạng kinh tế để tạo thêm sinh kế cho người dân, đặc biệt là tại các địa phương miền núi. Nhưng thực tế, chúng ta đang khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên rừng một cách quá mức. Không có rừng, đất không giữ được nước thì lũ lụt là điều khó có thể tránh khỏi.

Những năm trở lại đây, lũ lụt, sạt lở đất thường xuyên xảy ra, nhất là tại các tỉnh miền núi. Nhưng dường như chúng ta vẫn chưa đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm?

- Có thể nói, đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung là thiên tai không lường trước được. Tuy nhiên, rõ ràng đâu đó vẫn còn có tâm lý chủ quan, xem nhẹ tác động của suy giảm hệ sinh thái và tài nguyên rừng. Người ta chỉ nhớ đến rừng khi xảy ra lũ lụt.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái là có giới hạn. Những can thiệp thô bạo của con người lên thiên nhiên, trong đó có khai thác rừng quá mức là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Hậu quả thậm chí còn có thể lớn hơn nếu con người tiếp tục xem nhẹ tầm quan trọng của hệ sinh thái bền vững.

Liệu rằng lũ lụt xảy ra tại miền Trung có phải là hệ quả của việc chúng ta quá chú trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ “Mẹ thiên nhiên”, thưa giáo sư?

- Muốn phát triển bền vững thì phải dựa vào thiên nhiên. Bài học từ nhiều quốc gia cho thấy, chú trọng quá mức đến phát triển mà tàn phá rừng thì hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn. Do đó, tư duy phát triển trong cộng đồng cần phải thay đổi.
Ngập lụt tại một địa phương tỉnh Bình Định.
Tại Việt Nam, Chính phủ luôn nhấn mạnh: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Đây là nhận thức hết sức đúng đắn. Phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng sự phát triển đó cần gắn với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là nền tảng cho phát triển bền vững. Mặc dù chủ trương của Nhà nước là đúng đắn, nhưng thực tế có lúc, cơ nơi vẫn có hiện tượng xem nhẹ, vẫn chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ đến hậu quả khi xảy ra thiên tai.

Giáo sư có đề xuất giải pháp gì để những thảm hoạ như đã xảy ra tại các tỉnh miền Trung thời gian qua không lặp lại?

- Thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung là bài học nhắc nhớ chúng ta về vai trò của cộng đồng, những người gắn bó với rừng như đời sống của chính mình. Do đó, giải pháp đầu tiên là cần phát huy triệt để ý thức cộng đồng địa phương, giáo dục cộng đồng biết tôn trọng thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên.

Thứ hai là dự báo về thiên tai phải nhanh chóng đến với cộng đồng hơn, càng chính xác càng tốt; dự báo kịp thời và cho đến tận mỗi người dân. Thứ ba là chính quyền địa phương vùng lũ nên đi sát thực tế vào cộng đồng, giúp bà con hạn chế rủi ro thiên tai, chủ động giải pháp “phòng hơn chống”.

Thứ tư là khuyến khích bà con trồng rừng và bảo vệ rừng. Trong đó cần lưu ý lựa chọn loại cây thích hợp với địa chất, bảo đảm độ vững bền của cây và phù hợp với điều kiện nguồn nước… Và cuối cùng là cần thường xuyên rà soát những khu vực dễ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất để có giải pháp ứng phó; trong đó, cần đặc biệt chú trọng quy hoạch phát triển vùng dân cư an toàn trước thiên tai.

Xin cảm ơn giáo sư!