Theo UBND quận Hà Đông, lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho cán bộ đối tượng 4 gồm cán bộ công chức, hiệu trưởng và hiệu phó các trường học mầm non, tiểu học và THCS. Việc bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho cán bộ đối tượng 4 nhằm thực hiện Nghị định 13 của Chính phủ về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
Thông qua buổi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh nhằm thực hiện đúng tiêu chuẩn, kiến thức QP&AN, các cán bộ, công chức, giáo viên ngoài được bồi dưỡng những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng - an ninh thông qua các Luật Quốc phòng, An ninh quốc gia, An ninh mạng, Nghĩa vụ quân sự, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Dân quân tự vệ, Lực lượng dự bị động viên, còn được gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và hoạt động đối ngoại; chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong tình hình mới...
Cùng với việc bồi dưỡng các kiến thức kể trên, các cán bộ, công chức, giáo viên còn được giao lưu với giảng viên về những vấn đề của cơ sở khi đưa nội dung giáo dục QP&AN trong trường học. Hầu hết các cán bộ quản lý trong trường học khi được hỏi việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đều không ảnh hưởng đến việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh trong nhà trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh quận Hà Đông Phạm Văn Chiến: “Công tác giáo dục QP&AN là một bộ phận của giáo dục quốc dân. Việc phổ cập và tăng cường giáo dục kiến thức QP&AN là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội phải được chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất. Bồi dưỡng kiến thức QP&AN là tiêu chuẩn bắt buộc, là tiêu chỉ để xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp".
Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và an ninh quận Hà Đông đã chỉ đạo các cơ quan thường trực bố trí thời gian lớp học để không ảnh hưởng đến việc dạy và học của các nhà trường cũng như chuyên môn của các đơn vị.