Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Giang, Cao Bằng sẵn sàng di dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giảm thiệt hại thấp nhất do hoàn lưu bão số 2 có thể gây ra, các tỉnh miền núi phía Bắc đang tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó, di dời khẩn trương người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sáng nay (19/7), UBND tỉnh Hà Giang đã họp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thị xã khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão số 2. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Hà Giang, chiều và đêm nay, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa ước đạt từ 100-300mm.
Bộ đội biên phòng đưa người dân đi tránh bão. Ảnh minh họa
Bộ đội biên phòng đưa người dân đi tránh bão. Ảnh minh họa
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Giang yêu cầu các huyện có nguy cơ sạt lở đất cao như Bắc Mê, Xín Mần, Su Phì, Yên Minh, Mèo Vạc... chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; phương tiện, sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về tính chất nguy hiểm của cơn bão, vận động nhân dân chủ động di dời tới những vị trí an toàn.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang cho biết: UBND tỉnh đã ra công điện số 09 đôn đốc các Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của các huyện chuẩn bị các phương tiện vật tư để chủ động đối phó với cơn bão số 2. Hiện tại, tỉnh đã xác định được những nơi, những điểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng thì Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của các huyện đã cử người xuống tận nơi để chỉ đạo di dời người dân đến những nơi an toàn. Ở tại các huyện và xã đều có phân công cán bộ trực 24/24h, lực lượng 4 tại chỗ gồm dân quân tự vệ, công an, bộ đội…

Được dự báo là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc sẽ bị ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 2 có thể mưa to đến rất to gây ra lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu các huyện, thị rà soát lập danh sách các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao, lập các phương án di dời cần thiết nhằm giảm thiệt hại thấp nhất; tổ chức ứng trực thường xuyên liên tục theo dõi cập nhập thông tin về tình hình thời tiết. Đặc biệt, trên các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao, ngập úng, các huyện cho cắm biển cảnh báo, hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Ông Đỗ Đức Quý, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cao Bằng cho biết: Đối với những vùng có nguy cơ sạt lở đất và lũ cao như Nguyên Bình, Bảo Lộc, Bảo Lâm, địa phương đã có kế hoạch và cũng có danh sách số hộ dân của những địa phương này chủ động di dời tới những nơi an toàn. Địa phương di dời các hộ này có thể tới nhà văn hóa, hoặc trường hoc, các nhà dân, anh em có nhà kiên cố an toàn. Các hộ dân ở trong diện phải di dời mà vì điều kiện khó khăn, địa phương tổ chức tuyên truyền để họ đến nơi an toàn, còn đối với hộ mà ở những nơi nguy hiểm không chịu đi thì phải cưỡng chế.