Cụ thể, người về từ TP Hồ Chí Minh (15), Đồng Nai (4), Bình Dương (02), Tây Ninh (1). Phân bố theo quận, huyện: Hà Đông (4), Thanh Xuân (3), Chương Mỹ (03), Mê Linh (2), Mỹ Đức (2), Đống Đa (2), Hoàng Mai (2), Hoàn Kiếm (2), Phúc Thọ (1), Phú Xuyên (1). Phân bố theo phương tiện di chuyển: Người đi bằng ô tô (15), người đi máy bay (6), người đi xe máy (1). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo, người dân về từ các tỉnh, thành có dịch cần tuân thủ nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về Hà Nội; luôn thực hiện thông điệp 5K; khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định. Trường hợp người bệnh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
Theo các chuyên gia y tế, trong những ngày qua, hàng trăm nghìn người từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… về quê và di chuyển đến các địa phương khác khi mở cửa cả đường bay, đường bộ. Với lượng người di chuyển lớn như hiện nay, một số tỉnh, thành đã ghi nhận nhiều trường hợp F0. Trong quá trình di chuyển, nhiều F0 không có triệu chứng, nếu chủ quan, không thực hiện biện pháp 5K, sẽ là nguồn lây trong cộng đồng. Thực tế, chúng ta đã có bài học từ việc người về từ vùng dịch, một số địa phương không làm tốt công tác kiểm soát, cách ly, để dịch lan rộng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện các ổ dịch vẫn có thể xuất hiện rải rác trên nhiều địa phương, kể cả Hà Nội. Yếu tố quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện những ổ dịch này sớm nhất có thể. Ngoài ra, ý thức phòng dịch của người dân với việc thực hiện nghiêm 5K góp phần rất lớn giúp các địa phương tránh được nguy cơ bùng phát dịch.