Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: 133 xã, phường tái phát dịch tả lợn châu Phi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính tới thời điểm này, Hà Nội đã có 238 xã, phường có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) qua 30 ngày không phát sinh. Tuy nhiên, trong số đó có 133 xã, phường để dịch tái phát trở lại.

 Khu vực tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi tại Long Biên
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT trong tuần (16-22/9) dịch bệnh tiếp tục phát sinh tại 575 hộ, cơ sở chăn nuôi, 16 thôn; làm mắc bệnh và tiêu hủy 5.799 con lợn với trọng lượng 391.644kg. Một số địa phương trong tuần phát sinh và tiêu hủy nhiều lợn như: Ba Vì 2.508 con; Ứng Hòa 805 con; Mê Linh 743 con; Mỹ Đức 585 con... So với tuần trước, dịch bệnh phát sinh tăng hơn 53 hộ, cơ sở chăn nuôi; số lợn mắc bệnh và tiêu hủy tăng hơn 1.168 con.
Lũy kế từ khi xuất hiện đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 30.948 hộ chăn nuôi (chiếm 38,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.352 thôn, tổ dân phố/449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 523.821 con (chiếm 27,9% tổng đàn) với trọng lượng 35.875 tấn. Trong đó, tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 68.641 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn TP.
Sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, khống chế dịch, đến nay toàn TP có 238 xã, phường (chiếm 53% tổng số xã, phường có dịch) và 5 quận (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai) dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh. Tuy nhiên, do dịch bệnh có tính chất nguy hiểm và diến biến phức tạp, nên 133 xã, phường dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng vẫn phát sinh trở lại.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh và đường lây truyền của vi rút DTLCP rất phức tạp nên nguy cơ dịch bùng phát trở lại rất cao.
Theo ông Sơn, công tác phòng chống, khống chế bệnh DTLCP hiện tại phụ thuộc cơ bản việc tuân thủ, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học và kiểm soát tốt việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm của lợn. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định
Song song với đó, kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào Thành phố và Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động Thành phố để thực hiện việc tuần tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông tại các trục đường giao thông trên địa bàn TP. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.