Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - 20 năm vị thế “Thành phố vì hòa bình”

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO trao cho Hà Nội ngày 16/7/1999, tại La Paz, Thủ đô của Bolivia. Vinh dự hơn, Hà Nội là TP duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đón nhận danh hiệu này.

Sau 2 thập kỷ với nhiều đổi thay, đến nay, Thủ đô Hà Nội đã và đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, phát triển để phát huy giá trị của danh hiệu này. 
20 năm một chặng đường

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định, Hà Nội được vinh danh “Thành phố vì hòa bình” là nhờ vào những đóng góp tích cực của Thủ đô trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng TP. Những đóng góp ấy phù hợp với những tiêu chí do UNESCO đề ra về bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.
Một góc Hà Nội.
“Tôi nhận thấy, suốt gần 2 thập kỷ qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực phát triển để xứng đáng với tên gọi này” - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Crofft chia sẻ. Theo ông Michael Croft, về cơ bản nhất, Thủ đô Hà Nội đã khắc phục được hậu quả của chiến tranh để phát triển, trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của cả nước. Bên cạnh đó, chính quyền của Hà Nội cũng đã và đang đưa ra những chính sách nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.
Ông Michael Croft chia sẻ, UNESCO đã đưa ra một chiến lược sâu rộng trong 2 năm (2019 - 2020) tại Việt Nam gồm các chương trình, dự án có ý nghĩa, tác động sâu rộng trên các lĩnh vực mà UNESCO chú trọng. Theo đó, UNESCO đặc biệt coi trọng hợp tác với TP Hà Nội, nhất là nhân kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Cụ thể, UNESCO muốn đào sâu hợp tác với Thủ đô với vai trò “Thành phố vì Hòa bình” đã tìm hiểu hợp tác tại bảo tồn di sản, trong đó có Đường Lâm và Hoàng Thành Thăng Long cũng như đề xuất Hà Nội trở thành TP đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO.
“Chúng tôi muốn đưa những lĩnh vực ưu tiên của Hà Nội trở thành những ưu tiên của UNESCO” - ông Michael Croft chia sẻ. Đại diện UNESCO cũng khẳng định mong muốn Hà Nội sẽ góp phần vào mục tiêu của UNESCO là đưa văn hóa trở thành trọng tâm của các chiến lược phát triển bền vững.
Điểm đến của văn hóa và sáng tạo
Theo các chuyên gia của UNESCO, cộng đồng quốc tế rất ấn tượng trước sự chuyển mình của Hà Nội, tạo ra một hình ảnh nhận diện mới, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho Việt Nam. Hà Nội vươn lên không chỉ là hình ảnh một TP sau chiến tranh mà còn là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực. Theo đó, sáng kiến như phố đi bộ được hoan nghênh, trong khi Hà Nội cũng là cái nôi sinh ra nhiều không gian sáng tạo đang trở thành điểm nhấn cho giới sáng tạo, giới trẻ, cho thấy môi trường chính sách về tiềm lực nhân trí sĩ đều rất lớn.
Với cộng đồng quốc tế, hình ảnh về một Thủ đô Hà Nội là một TP luôn phát triển năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống. Ông Noel Jean Poirier - cựu Đại sứ Pháp nổi tiếng với bộ phim “Hà Nội của tôi” (Mon Hanoi) khi chia sẻ về những năm tháng gắn bó với Thủ đô cho biết, ông thấy vui khi được dạo trên những con phố của Hà Nội, ngắm nghía cuộc sống sôi động nơi đây.
"Người dân Hà Nội có cách sống trong TP rất riêng. Họ sống trên vỉa hè, ăn cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm ăn trên vỉa hè. Để người du lịch đi loanh quanh TP và quan sát đời sống vỉa hè, họ sẽ hiểu nhiều về tính cách, tập quán, thói quen của người Việt Nam" - ngài cựu Đại sứ chia sẻ bằng tiếng Việt.
Điều đặc biệt của Hà Nội là lưu giữ được những lớp kiến trúc lịch sử tiếp nối thông qua những nét kiến trúc đặc trưng. Bên cạnh sự giao thoa của các kiến trúc Pháp cổ với kiến trúc Việt Nam là những hình thái làng quê xen kẽ đô thị.
“Hà Nội nhận danh hiệu này là hoàn toàn xứng đáng” - bà Natalia Shafinskaya - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga chia sẻ nhân dịp năm 2019 đánh dấu chặng đường 2 thập kỷ vừa qua của Thủ đô với danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Theo bà Natalia, là trung tâm hành chính, kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đã tạo một môi trường sống yên bình, cởi mở và thực sự ươm mầm cho sự phát triển. Đó là một vinh dự và cũng là thách thức lớn để Hà Nội phấn đấu không ngừng xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu này để cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.