Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ban hành Công điện khẩn phòng chống bão số 3

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưa nay (18/8), Văn phòng UBND TP đã ban hành Công điện khẩn số 6 của Chủ tịch UBND TP gửi các cấp, các ngành, các địa phương về phòng chống, ứng phó bão số 3.

Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy Trung ương, hồi 04 giờ ngày 18/8, vị trí tâm bão số 3 (có tên Quốc tế là Dianmu) ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm.

Đến 16 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền nước ta. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 12-14. Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần. Đến 4 giờ ngày 20/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của bão số 3, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam từ đêm ngày 18/8 gió sẽ mạnh dần lên cấp 3-4, sau tăng lên cấp 5 có lúc cấp 6, giật trên cấp 7. Từ đêm 18/8 đến ngày 20/8 có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa cả đợt 150 - 250 mm, có nơi trên 250 mm. Trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-3m. 

Để chủ động phòng chống có hiệu quả với diễn biến bất lợi của mưa, bão,  lũ trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các quận, huyện, thị xã, các Sở, ngành, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP, các Công ty: Thủy lợi, Thoát nước Hà Nội, Công viên cây xanh, Công ty Môi trường đô thị, Chiếu sáng và thiết bị đô thị; TCty Điện lực TP Hà Nội khẩn trương triển khai các nhiệm vụ sau:

1. Ban chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với các Doanh nghiệp thủy lợi khẩn trương thực hiện việc tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP do ảnh hưởng của đợt mưa vừa qua; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện giữ mực nước trên các hồ chứa theo quy trình vận hành công trình.

Tăng cường công tác kiểm tra hồ đập, hệ thống tiêu thoát nước trên toàn Thành phố, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt là đối với các hồ đã đầy nước; các hồ đang thi công, sẵn sàng lực lượng vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra.

2. Sở GTVT phối hợp với Công an TP hướng dẫn và đảm bảo giao thông, đặc biệt là khu vực nội đô, các đường giao thông huyết mạch và các điểm thường xảy ra úng ngập đã có trong phương án để đảm bảo giao thông.

3. Sở Xây dựng, lãnh đạo các quận, huyện, các đơn vị quản lý nhà, chủ đầu tư các công trình xây dựng tăng cường kiểm tra các công trình xây dựng, nhà ở, cơ sở sản xuất, các vùng có nguy cơ sạt lở; thực hiện ngay các phương án phòng, chống lụt bão. 

4. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thường xuyên kiểm tra an toàn cơ sở vật chất trường lợp, theo dõi diễn biến mưa bão, chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho học sinh khi xảy ra mưa, bão. 

5. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị; các Công ty thuỷ lợi kiểm tra thiết bị, máy móc, chủ động tiêu nước đệm và triển khai phương án tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống úng ngập cho diện tích lúa mùa, cây mầu vụ hè thu và các dự án, công trình.

6. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức lực lượng kiểm tra các cây đã được khôi phục do bị ảnh hưởng sau cơn bão số 1 để có biện pháp đảm bảo an toàn cho cây phát triển; có kế hoạch tổ chức lực lượng sẵn sàng giải tỏa cây đổ trên địa bàn Thành phố khi có mưa dông lớn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.

7. TCty Điện lực TP Hà Nội kiểm tra hệ thống các cột và đường dây đặc biệt là các cột điện và đường dây đã được khôi phục do ảnh hưởng sau cơn bão số 1; cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng; đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố.

8. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP, Cảnh sát PCCC chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn an ninh trật tự khi có tình huống xảy ra trên địa bàn TP.

9. Các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao, căn cứ phương án phòng chống thiên tai đã được xây dựng sẵn sàng, chủ động triển khai ứng phó khi có thiên tai trên địa bàn.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tăng cường thời lượng phát sóng, thường xuyên thông báo diễn biến của bão để nhân dân chủ động phòng tránh. Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị tăng cường thời lượng tin bài phản ánh công tác chi đạo của TƯ, Thành phố và tình hình triển khai thực hiện công tác phòng chống bão của các địa phương.

11. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCTT Thành phố chủ động kiểm tra địa bàn được phân công theo dõi, nắm chắc tình hình cơ sở, chỉ đạo phòng chống bão số 3 theo quy định, phản ảnh kịp thời tình hình về UBND TP và Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT Thành phố.

12. Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT Thành phố theo quy định.