Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung; Tổ công tác triển khai Đề án 06 của TP Hà Nội và các tỉnh Bình Dương, Lào Cai.
Tại buổi làm việc, các đại biểu được xem phóng sự giới thiệu tổng quan kết quả thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06) tại TP Hà Nội.
Học tập, vận dụng cách làm hay của các địa phương
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội và tỉnh Lào Cai, Bình Dương cùng triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, nội dung của Đề án 06, đã đạt một số kết quả nhất định. Đồng thời, tiếp tục được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ giao triển khai thí điểm một số nội dung nhiệm vụ, làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng ra toàn quốc.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai các nội dung nhiệm vụ của Đề án 06 vẫn còn một số vấn đề bất cập, đòi hỏi các đơn vị cần vào cuộc quyết liệt, tích cực hơn nữa cũng như có những tìm tòi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, từ đó có những cách làm hiệu quả và thiết thực.
“Cơ quan thường trực các Ban Chỉ đạo là Công an TP và các sở, ngành, địa phương tập trung thảo luận, báo cáo rõ về cách làm, phương thức, kinh nghiệm đơn vị đã thực hiện và kết quả mang lại, đồng thời có những trao đổi giữa 3 bên để từ đó có thể học tập, vận dụng các cách làm hay mà 3 địa phương đang thực hiện. Từ những sáng kiến, phương thức, kinh nghiệm mà các đơn vị đã báo cáo, trong thời gian tới Hà Nội tiếp tục chỉ đạo để phát huy hơn nữa các kết quả đã làm được” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Hà Nội triển khai 17 nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã báo cáo kết quả thực hiện 17 nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 tại TP Hà Nội. Cụ thể gồm: triển khai thực hiện thí điểm sổ sức khỏe điện tử; Kiosk khám sức khỏe tại bệnh viện; Học bạ số; thu phí không sử dụng tiền mặt tại các bến xe tĩnh; thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách; chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt; đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho vay an sinh xã hội; triển khai cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID; Số hóa dữ liệu hộ tịch; cơ sở dữ liệu đất đai; Giải pháp đánh số nhà; thực hiện liên thông 2 dịch vụ công trực tuyến; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử; tập huấn đào tạo trên phần mềm MOOC; Hạ tầng triển khai Đề án 06, Chuyển đổi số; đánh giá cán bộ công chức, viên chức trong triển khai thực hiện Đề án 06.
“Ngoài 17 nội dung trên, TP Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu, xung phong đăng ký thí điểm 2 mô hình: Triển khai thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà, căn hộ và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố; Triển khai quy trình điện tử liên thông trong giải quyết TTHC về đất đai giữa Cơ quan công chứng - Văn phòng Đăng ký đất đai - Thuế” - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky thông tin.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của TP Hà Nội và các tỉnh Bình Dương, Lào Cai đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, đại diện các tỉnh Bình Dương, Lào Cai mong Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm thẩm định mua sắm phần mềm, trang thiết bị; việc triển khai khám chữa bệnh, xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử; kinh nghiệm Hà Nội triển khai 82 TTHC có mức thu 0 đồng, căn cứ pháp lý để tham mưu HĐND; thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể; giải pháp chống thất thu thuế; cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục, việc triển khai học bạ số; mô hình thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt…
Hà Nội vào cuộc quyết liệt, đã hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo
Đại diện cho 2 tỉnh Lào Cai và Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung cho biết, 2 tỉnh Lào Cai và Bình Dương kết nghĩa với nhau, cùng quyết tâm triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn.
Hà Nội đã thực hiện hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo gồm: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 thành 1 Ban Chỉ đạo chung nên thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ; tuy nhiên, tỉnh Lào Cai hiện vẫn đang 3 ban.
Là tỉnh vùng cao, chính sách thu hút nguồn lực công nghệ thông tin của Lào Cai khá cao; tuy nhiên hiện vẫn chưa thu hút được nhiều. Lào Cai đã cho thí điểm thuê chuyên gia, cơ chế này mới được thực hiện.
“Tỉnh Lào Cai hiện đang thực hiện 15 mô hình của Đề án 06; do đó, các đơn vị của Lào Cai sẽ đến các đơn vị của Hà Nội để học hỏi thêm kinh nghiệm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung chia sẻ.
Thay mặt Tổ Đề án 06 TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, Hà Nội tiếp tục được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ giao triển khai thí điểm một số nội dung nhiệm vụ của Đề án 06 làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng ra toàn quốc, do đó, thành phố đã vào cuộc quyết liệt, trong đó, đã hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo – đây là bước đột phá trong cải cách hành chính của Hà Nội.
Tuy nhiên, thời gian qua, đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt, vẫn còn vướng mắc bởi có những người dân chưa có tài khoản, Hà Nội sẽ tháo gỡ về vấn đề này để công dân được tiếp cận nhiều hơn.
“Tới đây, TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với các tỉnh, TP để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của từng địa phương, đơn vị theo lộ trình ưu tiên công việc khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm lại với nhau” - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky thông tin.