Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Bổ sung gần 72 tỷ đồng/năm hỗ trợ sử dụng phương tiện vận tải công cộng

Công Thọ - Ngọc Hải - Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/7, ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải”.

Phạm vi điều chỉnh của nghị quyết là hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn thành phố, bao gồm hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt; các bãi đỗ xe ô tô, điểm trung chuyển, trung tâm tiếp vận và các phương tiện cơ giới khác phục vụ nhu cầu công cộng theo quy hoạch.
Miễn tiền vé đối với người có công,  trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo

Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành hách công cộng khối lượng lớn, thành phố miễn tiền vé sử dụng đối với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
 Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện trình HĐND TP thảo luận và ban hành Nghị quyết  về “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải”
Ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể;
Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% giá vé trong 15 ngày đầu kể từ khi các tuyến đường sắt đô thị bắt đầu khai thác vận hành thương mại.
Ngoài ra, ngân sách thành phố cũng hỗ trợ 100% tiền phí sử dụng đường bộ, phí cầu đường, bến bãi, bảo hiểm hành khách thu hộ đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; hỗ trợ toàn bộ tiền thuế nhập khẩu các thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn đối với các thiết bị, phương tiện trong nước chưa sản xuất được hoặc trong trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường…
Nhiều chính sách ưu đãi trong đầu tư bến, bãi đỗ xe
Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng khai thác bến xe, bãi đỗ xe và phương tiện cơ giới khác gồm: hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuế đất; 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án; được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố với lãi suất ưu đãi. Các bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng để khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm.
 Các đại biểu dự kỳ họp
Thành phố khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa đầu tư bãi đỗ xe ngầm, cao tầng cho ô tô và phương tiện cơ giới khác phục vụ nhu cầu công cộng.
Tại tờ trình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện nêu, Nghị quyết được thông qua sẽ thu hút người dân tham gia sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường; mở rộng đối tượng người dân được hưởng các cơ chế chính sách, ưu đãi về hỗ trợ, miễn giá vé trong việc tham gia sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn
Để thực hiện các cơ chế chính sách bổ sung mới, điều chỉnh trong Nghị quyết, ngoài phần kinh phí ngân sách thành phố bố trí hàng năm để trợ giá cho xe buýt hiện khoảng 1.800 tỷ/năm, thành phố cần cân đối bố trí ngân sách bổ sung khoảng 71,95 tỷ đồng/năm.
Trong đó, hỗ trợ đối với phương tiện nhiên liệu sạch khoảng 12,35 tỷ đồng/năm; hỗ trợ miễn phí giá vé khoảng 17,3 tỷ đồng/năm; hỗ trợ 12,3 tỷ đồng/năm chi phí cầu đường, bến bãi, phí sử dụng đường bộ, bảo hiểm hành khách thu hộ và hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng/năm đối với các chính sách khác.

Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2019
Tại sao chỉ khuyến khích các hộ dân 4 quận nội thành đầu tư bãi đỗ xe?
Trước khi thông qua Nghị quyết, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân), Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín) và Chu Nguyên Thành (huyện Thanh Trì) đều bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với tờ trình, dự thảo nghị quyết cũng như báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND thành phố và đóng góp thêm nhiều ý kiến đóng góp cụ thể.
  ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) phát biểu thảo luận Nghị quyết
Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị cơ quan liên quan giải trình thêm về việc tại sao chỉ khuyến khích tổ chức, cá nhân tại 4 quận nội thành đầu tư bãi đỗ, giữ xe? Trong khi thực tế các quận khác như Cầu Giấy, Thanh Xuân cũng thiếu các bãi giữ xe. Thứ 2, các bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn để khai thác dịch vụ thương mại, vậy con số 30% có cao hay không? ĐB cũng kiến nghị đối với nghị quyết này cần tuyên truyền một cách rộng rãi. Bởi qua thực tế cho thấy, khi mới triển khai các bãi đỗ xe ngầm, do người dân chưa hiểu nên chưa ủng hộ hoàn toàn, vì vậy, cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ để đồng thuận, ủng hộ.
Thông tin tới đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết tại kỳ họp trước, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua quy hoạch bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố. Trong quy hoạch này, 4 quận nội thành không bố trí được quỹ đất để đầu tư bến bãi đỗ xe mà chủ yếu dùng bến bãi tạm thời trên hè đường phố. Theo Nghị định 100/2013/NDD-CP của Chính phủ, các bến bãi đỗ xe trên vỉa hè chỉ được xem xét đến năm 2023.
 ĐB Chu Nguyên Thành (huyện Thanh Trì) phát biểu thảo luận 
Ngoài ra, trên thực tế, tại 4 quận nội thành hiện nay, để bảo đảm kinh doanh dịch vụ, nhiều tổ chức, cá nhân đã dành một phần diện tích sử dụng làm chỗ đỗ xe phục vụ cho kinh doanh thương mại
“Khi đưa ra ý kiến này, nhiều hiệp hội, chuyên gia lo ngại việc khuyến khích này có khả thi không? và liệu có phá vỡ quy hoạch bến bãi đỗ xe đã được thông qua?” – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nêu và khẳng định việc chỉ ưu tiên 4 quận nội thành xây dựng bãi đỗ xe mà không mở rộng ra các quận, huyện khác sẽ giúp không phá vỡ quy hoạch.
“Trước mắt giới hạn 4 quận nội thành, sau đó có kinh nghiệm và nếu cần thiết sẽ tiếp tục triển khai như ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu”, ông Vũ Văn Viện nói.
Về tỷ lệ tại sao dành tối đa đến 30% cho sử dụng thương mại? ông Vũ Văn Viện lý giải, bởi hiện nay chưa có cơ chế tỷ lệ cố định để công bố công khai, nhưng tổng kết từ trong thực tiễn một số dự án đã triển khai để đưa ra chính sách này.