Hà Nội cần xây dựng tour đặc trưng để thu hút khách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Để du lịch Hà Nội bứt tốc trong năm 2024 đòi hỏi ngành du lịch khai thác tiềm năng thiên nhiên, văn hóa từ đó xây dựng những tour du lịch mang thương hiệu Thủ đô.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chiều 19/1.

Du lịch Hà Nội hồi phục đón khách

Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 vừa qua, các điểm đu lịch trên  địa bàn Hà Nội đón đã đón một lượng lớn du khách lớn. Anh Nguyễn Anh Tuấn ở tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ là tôi đã đưa con từ Bắc Ninh về Hà Nội vui chơi giải trí, thay vì du lịch xa. Về Hà Nội, người dân có cơ hội tiếp cận nhiều tour du lịch hấp dẫn như tour đêm, du lịch tìm hiểu văn hóa tại các khu di tích lịch sử.

Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, để thu hút du khách, người dân làng cổ Đường Lâm đã đưa vào hoạt động không gian sáng tạo “Đoài Creative” cùng những trải nghiệm ẩm thực truyền thống tại “Bếp làng”. “Thông qua việc tổ chức những không gian này đã góp phần thu hút khoảng 450.000 lượt khách tới Đường Lâm trong năm 2023”-ông Thạo thông tin.

Khách du lịch quốc tế tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam

Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong năm 2023 ngành du lịch Thủ đô đã đón 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch. Trong đó gồm: 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 266,7% so với năm 2022 và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022.

Ghi nhận những thành công bước đầu của du lịch Thủ đô trong việc thu hút du khách, Hà Nội liên tục được các tổ chức, tạp chí du lịch quốc tế uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch. Cụ thể, Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng trong năm 2023, gồm: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày” và “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trap bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các cá nhân, tập thể tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trap bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các cá nhân, tập thể tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Không chỉ nổi bật về điểm đến, lĩnh vực ẩm thực Hà Nội cũng là điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới. Hà Nội có 48/103 nhà hàng Việt Nam được Michelin Guide - cẩm nang ẩm thực danh giá nhất thế giới tuyển chọn 3 nhà hàng đạt 1 sao Michelin.

Mới đây nhất, Giải thưởng Ẩm thực thế giới vinh danh Hà Nội là “Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023”. Ngay đầu tháng 1 này, Hà Nội được độc giả trên nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor bình chọn là một trong 20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023, đứng thứ 17/25 địa danh du lịch nổi tiếng...

Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu  đón 26,5 triệu lượt khách

Phát huy những thành công bước đầu trong việc thu hút du khách, năm 2024 ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu  đón 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Cụ thể, 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25% so với thực hiện năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023.

Khách du lịch quốc tế thăm quan đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế thăm quan đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
 

Tại hội nghị Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội đã tặng cờ thi đua, Bằng khen tập thể, Bằng khen cá nhân cho 15 tập thể, 21 cá nhân. Sở Du lịch Hà Nội tặng Giấy khen cho 4 tập thể, 14 cá nhân

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch để đạt được mục tiêu này không hề dễ dàng bởi sự suy thoái kinh tế, tài chính thế giới, các sự kiện chính trị, khủng bố, dịch bệnh... Bên cạnh đó, là những khó khăn về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhiều cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành chưa phục hồi, chất lượng nguồn nhân lực bị suy giảm do dịch Covid-19 cùng sự phục hồi chậm của các thị trường khách trọng điểm.

Hiến kế để ngành du lịch Thủ đô hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần tập trung phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. “Hà Nội cần khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch đêm, hoạt động trải nghiệm gia tăng với các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm… qua đó tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế”- ông Thắng đề xuất.

Khách du lịch quốc tế thăm quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế thăm quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hoài Nam

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để du lịch Hà Nội phát triển đột phá hơn, Hà Nội cần đổi mới dựa trên những dư địa đang phát triển, làm mới các sản phẩm từ nguồn lực đang có. Ngoài ra Hà Nội cần tiếp tục tăng cường liên kết vùng để tạo những tour, tuyến du lịch hấp dẫn. “Thủ đô Hà Nội cần đi đầu trong du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh…” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi ý.

Về phương hướng phát triển ngành du lịch Thủ đô trong năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, thời gian tới du lịch Hà Nội thúc đẩy triển khai xây dựng các dự án vui chơi, giải trí lớn phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyền Mạnh Quyền đề nghị các đơn vị xây dựng, triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, đặc trưng của thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá; tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang dấu ấn thương hiệu du lịch Thủ đô... Đồng thời  tăng cường hợp tác với các địa phương phát triển các tuyến, sản phẩm du lịch liên kết có thế mạnh và tính bổ trợ lẫn nhau.