Tìm lời giải cho bài toán lấp lỗ hổng nhân lực ngành du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng ngành du lịch hiện đang phải đối mặt với khoảng trống nhân lực. Làm thế nào để đào tạo bổ sung nguồn lao động mới qua đó lấp lỗ hổng nhân lực đang là bài toán khó.

Thiếu hụt nhân lực

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia, trong năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023. Mặc dù lượng khách du lịch đã hồi phục nhưng ngành du lịch đang đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết, Việt Nam đang thiếu hụt lượng lớn nhân sự du lịch nhất là lao động có chuyên môn cao, đặc biệt là vào dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch, nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định.

Nhân viên một khách sạn Hà Nội đang dọn phòng cho du khách. Ảnh: Hoài Nam
Nhân viên một khách sạn Hà Nội đang dọn phòng cho du khách. Ảnh: Hoài Nam
Theo Tổng Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội Nguyễn Hồng Hải, dịch Covid-19 đã khiến ngành khách sạn mất khoảng 20 - 30% nhân viên nên hiện đang rơi vào tình trạng "đói" lao động. Ở nhiều đơn vị, một nhân viên phải kiêm các vị trí khác nhau, như lễ tân kiêm luôn nhân viên chăm sóc khách hành, tài xế kiêm nhân viên hành lý, phục vụ tại sảnh khách sạn.

Trong khi đó Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo – Hiệp hội Du lịch Việt Nam GS Đào Mạnh Hùng chia sẻ, khi dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp du lịch buộc phải cắt giảm nhân sự, đến khi du lịch mở cửa trở lại, dịch vụ lưu trú, lữ hành thiếu hụt nguồn nhân lực nhiều nhất. “Thời điểm năm 2019, trước dịch Covid-19, toàn ngành có khoảng 4,5 triệu lao động, trong đó 1,5 triệu lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch; lao động tại các cơ sở lưu trú khoảng 780.000 người. Thế nhưng, hiện nay mặc dù các cơ sở lưu trú đã đi vào hoạt động bình thường, song chỉ có 300.000 người lao động, trong đó nhiều người chưa được đào tạo đầy đủ. Nguyên nhân là do một phần lớn  những người này đã chuyển sang nghề khác để mưu sinh, không muốn quay lại ngành du lịch nữa”-ông Hùng nêu ví dụ.

Nhân viên khách sạn Mường Thanh Lai Châu làm thủ tục nhập phòng cho du khách. Ảnh: Hoài Nam
Nhân viên khách sạn Mường Thanh Lai Châu làm thủ tục nhập phòng cho du khách. Ảnh: Hoài Nam

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hiện ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%. Dự báo đến năm 2025, cả nước sẽ có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1,3 - 1,45 triệu buồng. Như vậy, năm 2025, khối cơ sở lưu trú du lịch cần khoảng hơn 800.000 người, năm 2030 là hơn 1 triệu người, trung bình cần bổ sung 60.000 lao động/năm. Tuy vậy, hàng năm các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch.

Nhà trường bắt tay cùng doanh nghiệp giải bài toán nhân lực

Thời điểm hiện tại, để giải bài toán nhân lực, các doanh nghiệp du lịch đang “tự thân vận động” gỡ rối cho chính mình. Tuy nhiên các chuyên gia du lịch cho rằng để có được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đòi hỏi cái “bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Tại hội thảo “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới - Thách thức và triển vọng”, do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch vừa tổ chức, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: để duy trì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động kết nối tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo trong nước và quốc tế…

Đầu bếp khách sạn Lotte Hà Nội chuẩn bị đồ ăn cho du khách. Ảnh: Hoài Nam
Đầu bếp khách sạn Lotte Hà Nội chuẩn bị đồ ăn cho du khách. Ảnh: Hoài Nam

Ở chiều ngược lại, cơ sở đào tạo phải thu hút đầu tư vào hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất đội ngũ giảng dạy; đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức mới về các loại hình du lịch mới…. Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo, Nhà nước nên có chính sách thu hút, khuyến khích những nhân lực du lịch có kinh nghiệm đã chuyển nghề quay lại làm việc.

Trưởng nhóm Nghiên cứu ngành quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT) TS Nuno Ribeiro hiến kế, trước mắt, cần ưu tiên xây dựng và thực hiện chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch phù hợp các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động. Để lấp “khoảng trống” thiếu nhân sự du lịch trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể tuyển mới lao động từ những ngành nghề có liên quan để đào tạo.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặt hàng đào tạo đội ngũ nhân sự lành nghề chất lượng cao trong tương lai. Dưới góc độ đơn vị đào tạo nhân lực ngành du lịch,  Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải cho rằng, doanh nghiệp du lịch, khách sạn cần liên kết với các trường trong hoạt động đào tạo, hoạt đồng này không chỉ giúp các em tích luỹ kinh nghiệm mà còn tạo cơ hội cho các em có việc làm ngay khi tốt nghiệp.

Nhân viên khách sạn Lotte Hà Nội đang dọn phòng cho du khách. Ảnh: Hoài Nam
Nhân viên khách sạn Lotte Hà Nội đang dọn phòng cho du khách. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết,  Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo động lực cho họ tâm huyết, gắn bó lâu dài với nghề. Theo đó, đẩy mạnh liên kết hợp tác quốc tế với các tổ chức giáo dục du lịch nước ngoài theo hướng lựa chọn những ngành nghề phù hợp, tránh lãng phí. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội; Chủ động đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài cho phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất chính là tăng cường liên kết “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng (doanh nghiệp), trong đó TP tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục du lịch và doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo du lịch uy tín quốc tế.