Một trong những mục đích của công tác CCHC được Hà Nội đặt ra chính là phải duy trì chỉ số CCHC (PAR INDEX) của TP năm 2018 vẫn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, đồng thời phải tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong tổ chức và hoạt động các cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần triển khai hiệu quả chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Bởi vậy, CCHC được xác định là nhiệm vụ quan trọng, khâu đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của TP.
Để thực hiện nhiệm vụ này, trong năm, TP Hà Nội sẽ triển khai Đề án “Đánh giá tổ chức hành chính nhà nước” theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, song song với tổ chức có hiệu quả các buổi tiếp xúc, đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính (TTHC) và giải quyết TTHC. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm định kỳ trực tiếp tiếp công dân theo quy định, kịp thời xử lý và chỉ đạo giải quyết nhanh, đúng thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực, nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành, đơn vị, địa phương; cũng như tiếp thu đầy đủ và xử lý, phúc đáp kịp thời, giải trình theo quy định về những phản ánh, kiến nghị, góp ý từ tổ chức, công dân.
Đặc biệt, bên cạnh việc ban hành bộ “Chỉ số đánh giá năng lực điều hành của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc” thì TP cũng sẽ ban hành bộ “Chỉ số CCHC áp dụng đối với các xã, phường, thị trấn”. Đi liền với đó, sẽ thực hiện đánh giá hiệu quả, chất lượng công việc không chỉ của trưởng phòng chuyên môn cấp huyện mà của cả chủ tịch UBND cấp xã. Mục tiêu hướng tới ngay trong năm là 100% UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn được chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC. Để góp phần nâng cao hiệu quả CCHC của các cơ quan hành chính từ TP đến tận cấp xã, nhất là trong giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân, năm nay, UBND TP đề ra một giải pháp quan trọng là sẽ mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa các sở, ngành; giữa các sở, ngành với UBND quận, huyện, thị xã; giữa UBND quận, huyện, thị xã với UBND phường, xã, thị trấn và giữa sở, ngành TP với các cơ quan của T.Ư được tổ chức theo ngành dọc đặt tại TP trong giải quyết TTHC. Nhằm tạo cơ chế cho người dân giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, TP sẽ triển khai lắp camera tại toàn bộ những nơi có giao dịch, giải quyết công việc với công dân, tổ chức. Đồng thời, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính cấp xã, trong năm nay, 100% các chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và chuyên viên trực tiếp thụ lý giải quyết TTHC sẽ là một đối tượng chính mà TP sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng công vụ (cùng với đối tượng là trưởng, phó các phòng, ban thuộc sở, ngành và UBND cấp huyện).