Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chất lượng dân số từng bước được nâng cao

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại Hà Nội đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Nhiều chương trình, đề án phục vụ công tác này được Chính phủ phê duyệt đã mang lại những hiệu quả tích cực. Chất lượng dân số từng bước được nâng cao.

Triển khai hiệu quả nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số

Quận Hai Bà Trưng là một trong những địa phương triển khai hiệu quả chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ về dân số.

Đại diện Trung tâm y tế (TTYT) quận Hai Bà Trưng cho biết, từ ngày 27/3 đến 21/4/2023, quận đã truyền thông nâng cao chất lượng dân số về phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho 1.800 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên độ tuổi kết hôn tại 18 phường.

Nhiều địa phương triển khai hiệu quả chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ về dân số.
Nhiều địa phương triển khai hiệu quả chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ về dân số.

Quận cũng cung cấp dịch vụ miễn phí đặt dụng cụ tử cung; siêu âm; khám, tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trong độ tuổi từ 18-55 tuổi. Kết quả, số người được khám 1.006/1.000 người đạt tỷ lệ 100,6%. Trong đó, 672 người mắc bệnh phụ khoa; 988/1.006 người được xét nghiệm soi tươi.

Thời gian qua, quận đã truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) cho 1.800 người là đại diện ban, ngành, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên trong độ tuổi kết hôn tại 18 phường.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn quận không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Tỷ số giới tính khi sinh đạt 102 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 86,4% (đạt 99,8% kế hoạch năm), số trẻ được sàng lọc sơ sinh đạt 89,6% (đạt 100,1% so với kế hoạch năm), tổng số dụng cụ tử cung mới là 871 người/1.260 người, đạt 69,1% kế hoạch năm.

Thời gian tới, quận sẽ chủ động triển khai, phối hợp có hiệu quả các hoạt động, mô hình nâng cao chất lượng dân số như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên; mô hình tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân…

Tại huyện Ba Vì, công tác dân số 6 tháng đầu năm cũng đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 87,7%; sàng lọc sơ sinh đạt 90,4%; tỷ số giới tính khi sinh 111,3/100; khám sức khỏe người cao tuổi 60,6%; khám sức khỏe trước kết hôn 22,9%.

Các chỉ tiêu biện pháp tránh thai đạt so với chỉ tiêu đề ra, Đề án 818 xã hội hóa phương tiện tránh thai (PTTT) được triển khai đồng bộ tại 31/31 xã, thị trấn, người dân đã tiếp cận và sử dụng sản phẩm chăm sóc SKSS.

Tuy nhiên, số sinh toàn huyện là 1.853 trẻ, tăng 343 trẻ so với cùng kỳ. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 238 trẻ tăng 52 trẻ. Chính vì vậy, TTYT huyện cần tập trung các giải pháp từ tuyên truyền vận động đến thực hiện dịch vụ KHHGĐ để duy trì mức sinh thay thế và giảm số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên.

Triển khai hoạt động khám sàng lọc thính lực cho trẻ em mẫu giáo tại huyện Chương Mỹ.
Triển khai hoạt động khám sàng lọc thính lực cho trẻ em mẫu giáo tại huyện Chương Mỹ.

Tương tự, tại huyện Chương Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông tư vấn, vận động về xã hội hoá PTTT và dịch vụ chăm sóc SKSS–KHHGĐ trên địa bàn. Hoạt động này được tổ chức tại 32/32 xã, thị trấn giới thiệu các biện pháp tránh thai hiện đại và các loại PTTT đang được triển khai tử Đề án xã hội hóa. Giúp người dân lựa chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp làm giảm số người có thai ngoài ý muốn, góp phần hoàn thành chỉ tiêu về KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số.

Tính đến ngày 22/5/2023, TTYT huyện Chương Mỹ đã tổ chức 16 cuộc truyền thông tư vấn, vận động về xã hội hoá PTTT và dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ năm 2023 tại 16 xã trên địa bàn với các nội dung: Truyền thông về chủ trương xã hội hóa cung cấp các PTTT và dịch vụ KHHGĐ.

Giới thiệu các biện pháp tránh thai hiện đại, cơ chế tác dụng của các PTTT. Cung cấp kiến thức về cách phòng tránh thai, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Giới thiệu các loại PTTT và hàng hóa chăm sóc SKSS của Đề án xã hội hóa, cung cấp các cơ sở xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn huyện.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dân số

Để đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ về dân số đạt hiệu quả cao, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đã thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ về dân số năm 2023 tại các quận, huyện.

Đoàn xe tham gia diễu hành cổ động hưởng ứng Ngày dân số thế giới năm 2023.
Đoàn xe tham gia diễu hành cổ động hưởng ứng Ngày dân số thế giới năm 2023.

Tính đến tháng 5/2023, đã có 28/29 đơn vị tổ chức xong chiến dịch; 452/466 xã, phường thực hiện theo kế hoạch (đạt 97%). PTTT miễn phí và tiếp thị xã hội được đảm bảo cung ứng thường xuyên cho 30 quận, huyện, thị xã.  Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tại 30/30 quận, huyện, thị xã.

Các hoạt động kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được thực hiện đồng bộ tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Tổ chức truyền thông cho đảng viên các chi bộ, những người có uy tín trong cộng đồng tại khu dân cư, tổ dân phố về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt  7% (giảm 0,04% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68,2% (tăng 4% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85% (tăng 1,07% so cùng kỳ 2022).

Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88% (tăng 1,67% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 45% (tăng 17% so cùng kỳ 2022). Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,1 trẻ trai/100  trẻ gái.

Các đơn vị đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số.
Các đơn vị đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số.

Tuy nhiên, công tác dân số của Hà Nội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của TP. Tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số.

Bên cạnh đó, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con, thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao.

“Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của thành phố theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng ngày Thalasmia Thế giới tại trường học.
Tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng ngày Thalasmia Thế giới tại trường học.

TP Hà Nội tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.

Mặt khác, các đơn vị đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số. Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương chú trọng tuyên truyền các nội dung về SKSS vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

 

"Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã xây dựng, hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số năm 2023 tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; 18 mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên/thanh niên; 10 mô hình truyền thông chăm sóc SKSS /KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù. Các hoạt động mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng dân số." - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà