Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội cho phép lắp trạm bơm dã chiến “cứu” khu đô thị cứ mưa là ngập

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vừa chấp thuận để Tập đoàn Geleximco nghiên cứu vị trí, tính toán công suất, lắp đặt trạm bơm dã chiến tại khu vực hạ lưu tuyến kênh liên tỉnh giao với sông Cầu Ngà (thuộc địa bàn phường Tây Mỗ) để xử lý úng ngập ở khu đô thị Lê Trọng Tấn.

Úng ngập “đẻ” ra kẹt xe
Được ví như “đô thị hạt nhân” phía Tây Thủ đô, vùng đất vàng huyện Hoài Đức (một phần quận Hà Đông, Nam và Bắc Từ Liêm) gồm cụm KĐT Nam An Khánh, Bảo Sơn, Lê Trọng Tấn - Geleximco, Văn Phú từng kỳ vọng tạo ra không gian kiến trúc hiện đại. Song, gần 10 năm trở lại đây, hệ thống thoát nước thiếu kết nối, tốc độ phát triển đô thị quá nhanh và phương pháp tiếp cận nặng về giải pháp đã “đẩy” khu vực này vào danh sách úng ngập nghiêm trọng.
Nút giao tại đại lộ Thăng Long và đường Lê Trọng Tấn vẫn bị ngập khi mưa lớn.
Bắt đầu từ trận lụt lịch sử (tháng 11/2008) đến nay, năm nào người dân Thủ đô cũng chung một mối lo: Úng ngập. Tình trạng ngày càng trầm trọng, lan nhanh từ khu vực nội đô cho đến những dãy nhà biệt thư, liền kề ở ngoại thành. Đặc biệt, nút giao Thiên Đường Bảo Sơn và Đại lộ Thăng Long với mức ngập gần 1m trở thành nối ám ảnh mới của hàng nghìn hộ dân. Theo các chuyên gia, dù các điểm ngập úng tại Hà Nội đã được lên danh sách nhưng khi xảy ra mưa lớn vẫn… bất khả kháng. Hệ quả chìm trong biển nước của các KĐTM Nam An Khánh, Bảo Sơn, Lê Trọng Tấn - Geleximco, Văn Phú… còn nguyên bài học nhãn tiền.
Liên quan đến tình trạng ngập úng tại các KĐTM, ông Đàm Tiến Nghĩa - Phó Giám đốc Công ty Geleximco chi nhánh phụ trách dự án KĐT Geleximco từng trả lời Kinh tế & Đô thị, mưa lớn hơn 100mm trong khoảng 2 giờ thì KĐT này có nguy cơ bị ngập úng do tiêu thoát nước chậm.
Theo ông Nghĩa, nguyên nhân do đường kính cống Đông Tác - nguyên bản là kênh T22 cũ tiết diện quá bé (khoảng 1,5m2). Cho nên, khi lượng mưa lớn, nước thoát ra sông Cầu Ngà không kịp, bị thắt cổ chai và thậm chí tràn ngược lại. Vị trí KĐT Geleximco lại có đặc thù là vùng trũng hơn so với các KĐT An Khánh, Thiên Đường Bảo Sơn, Sudico... Hơn thế, toàn bộ lưu vực thoát nước kênh T22 ở đây có 4 điểm đổ vào trước khi chảy qua sông Nhuệ: KĐT Sudico, Thiên Đường Bảo Sơn, đất dịch vụ An Khánh và toàn bộ khu dân cư An Khánh. Tất cả chảy ngầm qua khu vực KĐT Geleximco nên lượng “nước” phải gánh vượt ngưỡng chịu tải.
Cho lắp trạm bơm dã chiến
Liên quan đến vấn đề trên, UBND TP Hà Nội vừa cho Tập đoàn Geleximco nghiên cứu vị trí, tính toán công suất, lắp đặt trạm bơm dã chiến tại khu vực hạ lưu tuyến kênh liên tỉnh giao với sông Cầu Ngà (thuộc địa bàn phường Tây Mỗ) và nạo vét tuyến kênh liên tỉnh để đảm bảo thoát cho khu đô thị Lê Trọng Tấn.
Khu đô thị Geleximco A luôn trong tình trạng ngập trong nước khi mưa lớn, nước cao đến 40 - 50cm.
Cụ thể, UBND TP vừa ban hành Công văn số 5037/UBND-ĐT, cho ý kiến về việc khắc phục tình trạng úng ngập tại nút giao thông đường Lê Trọng Tấn với đường gom Đại Lộ Thăng Long, khu vực cổng Sông Đà Sudico và khu A đô thị Lê Trọng Tấn - Gleximco địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức.
Theo đó, xét đề nghị của Sở Xây dựng Hà Nội về việc khắc phục tình trạng úng ngập tại nút giao thông đường Lê Trọng Tấn với đường gom Đại Lộ Thăng Long, khu vực cổng Sông Đà Sudico và khu A đô thị Lê Trọng Tấn - Gleximco địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức.
Để triển khai đồng bộ các giải pháp, giải quyết cơ bản tình trạng úng ngập trên, Sở Xây dựng thay mặt liên ngành đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Tập đoàn Geleximco - Công ty CP nghiên cứu vị trí, tính toán công suất, lắp đặt trạm bơm dã chiến tại khu vực hạ lưu tuyến kênh liên tỉnh giao với sông Cầu Ngà (thuộc địa bàn phường Tây Mỗ quận Nam Từ Liêm) và nạo vét tuyến kênh liên tỉnh để đảm bảo thoát nước bằng kinh phí của chủ đầu tư - Tập đoàn Geleximco tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định, sau khi hoàn thành sẽ bàn giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý theo phân cấp.
Đồng thời, giao UBND quận Nam Từ Liêm, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, giới thiệu vị trí xây dựng, lắp đặt trạm bơm; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đề xuất việc cải tạo, nạo vét tuyến kênh T3 A nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho khu vực.
Tuy nhiên, tại văn bản trên, Sở Xây dựng Hà Nội cũng lưu ý, giải pháp giải quyết úng ngập về lâu dài chỉ được giải quyết triệt để khi hệ thống thoát nước trong khu vực được đầu tư đồng bộ tổng thể theo quy hoạch thoát nước đã được phê duyệt.