Hà Nội: chống hàng lậu cần chính sách thiết thực phù hợp thực tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Do siêu lợi nhuận nên các đối tượng xấu tìm mọi cách, thủ đoạn tinh vi để buôn bán hàng lậu. Vì thế, dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh hoạt động phòng, chống nhưng tình trạng đưa hàng lậu vào tiêu thụ trong thị trường nội địa vẫn diễn biến phức tạp

Nhiều thủ đoạn buôn lậu mới

Tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 (17/7), Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: hòng qua mắt lực lượng chức năng,  thời gian gần đây xuất hiện nhiều thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu như khai hải quan không đúng thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc lô hàng...

Hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh. Đồng thời mua bán trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngày một gia tăng. Thậm chí các đối tượng bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội facebook, youtube ở một nơi nhưng kho hàng thì được tập kết ở nơi khác gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

"Ngày 5/6 vừa qua, Đội QLTT số 10 (Cục QLTT TP Hà Nội) phát hiện địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, tại xã Phù Lỗ (Sóc Sơn) có khoảng 3.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động các loại và các loại thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ. Đây là vụ việc mà lực lượng chức năng mất thời gian dài theo dõi hàng hóa được đăng bán trên các nền tảng thương mại điện tử (Tiktop Shop)”-ông Kiên nêu ví dụ.

Đồng tình với phản ánh này, Phó phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) Đỗ Thế Thắng thông tin, tình trạng lợi dụng các hình thức tạm nhập tái xuất hoặc quá cảnh hàng hóa để thực hiện vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện hơn.

Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ hàng giả, kém chất lượng tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ hàng giả, kém chất lượng tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Hoài Nam

Đặc biệt, từ đầu năm 2024 khi giá vàng miếng trong nước tăng cao, có sự chênh lệch lớn so với thế giới đã xuất hiện tình trạng các đối tượng mua gom vàng miếng ở nước ngoài (Đài Loan) sau đó vận chuyển về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài để bán kiếm lời. ”Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an TP Hà Nội phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện 2 vụ buôn lậu vàng từ Đài Loan về Việt Nam và 2 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới với số lượng lớn”-ông Thắng cho biết.

Sửa đổi quy định pháp lý phù hợp thực tế

Để ngăn chặn hoạt động buôn bán vận chuyển hàng lậu, tại hội nghị các đại biểu có chung ý kiến, cần sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp thực tế qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng ngăn chặn hoạt động này.

Phó Chánh văn phòng BCĐ 389 Quốc gia Đỗ Hồng Trung nêu rõ, hiện thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nhưng hiện nay trong công tác quản lý bộc lộ nhiều điểm yếu việc định danh người bán hàng thông qua thuê bao điện thoại, Thế nhưng đến thời điểm này số lượng thuê bao chưa định danh được còn rất lớn điều này đã gây khó khăn không nhỏ trong việc ngăn chặn hiện tượng buôn bán hàng lậu qua thương mại điện tử.

Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh sản phẩm sữa nhập khẩu. Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh sản phẩm sữa nhập khẩu. Ảnh: Hoài Nam
 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra 12.032 vụ vi phạm; xử lý hành chính 11.436 vụ. Khởi tố 118 vụ đối với 175 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước trên 474 tỷ đồng.

 

“Thực tế chống hàng lậu thời gian qua cho thấy tại các nhóm buôn bán hàng hóa trên mạng xã hội  Facebook, Zalo thì chủ thể kinh doanh tận các tỉnh miền núi, không ở Hà Nội nên khó có thể truy bắt.

Đề nghị Cục thương mại điện tử (Bộ Công thương), bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, ràng buộc những giao dịch từ người bán qua đó bảo đảm tốt nhất về chất lượng sản phẩm, quyền lợi cho người tiêu dùng” - ông Trung đề xuất.  

Để ngăn chặn hoạt động buôn bán vận chuyển hàng lậu, tại hội nghị các đại biểu có chung ý kiến, cần sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp thực tế qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng ngăn chặn hoạt động này. Đại diện Cục Hải quan Hà Nội nêu rõ, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm.

Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 - 4 lần giá trị thật của hàng hóa. “Thời gian tới các cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) theo hướng tăng nặng đối với những trường hợp buôn bán vân chuyển hàng lậu”-vị đại diện kiến nghị.

Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ hàng nhập lậu. Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ hàng nhập lậu. Ảnh: Hoài Nam

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các lực lượng chức năng TP Hà Nội từ nay đến hết năm 2024 tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào thị trường  nội địa.

Sở Thông tin truyền thông phối hợp cùng Sở Công Thương, Cục thuế Hà Nội kiểm soát hoạt động thương mại điện tử. Liên quan vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Công Thương nghiên cứu đề xuất cơ chế giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cho các ban quản lý chợ kiểm soát, giám sát chặt chẽ đầu vào hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đẩy mạnh công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.