Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chủ động bảo vệ thủy sản do ảnh hưởng mưa bão gây ra

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giảm thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với nuôi trồng thủy sản (NTTS), người NTTS trên địa bàn TP đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ diện tích NTTS của gia đình.

Bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở nhiều nơi. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy sản, thời điểm này NNTS trên địa bàn Hà Nội đã chủ động gia cố lại bờ ao, hạ thấp mực nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre gia cố, sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng nước tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn; rải vôi xung quanh bờ ao nuôi.

 Người nuôi trồng thủy sản chủ động căng lưới và hạ mực nước cho ao nuôi thả cá
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết: Chi cục cũng đã gửi công văn Số: 431/CCTS-QLNT yêu cầu các địa phương cần xây dựng phương án phòng chống mưa bão, lũ, lụt trên địa bàn, rà soát diện tích NTTS tại địa phương, đặc biệt là những vùng úng trũng để có phương án xử lý kịp thời khi có bão, lũ xảy ra. Phối hợp với Chi cục Thủy sản thông tin hướng dẫn người NTTS các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ diện tích nuôi thả.
Đối với những diện tích NTTS nằm trong vùng trũng thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn thì khuyến khích thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm. Kiểm tra, gia cố bờ ao, các cống cấp và thoát nước, khắc phục những vị trí xung yếu có thể bị vỡ hoặc tràn bờ khi có nước lớn; những ao, hồ có vùng trũng thì phải chủ động tôn thêm bờ ao, chuẩn bị các vật tư thiết bị cần thiết và lưới để chắn ao nuôi khi có mưa lớn kéo dài gây ngập úng.
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn người nuôi kỹ thuật cải tạo (vệ sinh, tẩy trùng, diệt khuẩn, tu sửa cơ sở hạ tầng...) ao đầm, lồng bè để chuẩn bị cho vụ nuôi mới (một số giải pháp kỹ thuật chi tiết tại Phụ lục kèm theo).
Đối với NTTS trong lồng, bè, cần kiểm tra lại lồng, bè, tu sửa những nơi xung yếu, vệ sinh tẩy dọn lồng nuôi sạch sẽ để tạo lưu thông dòng chảy, củng cố lại dây neo, di chuyển lồng bè vào nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão lớn làm vỡ lồng, bè.
Song song với việc phòng chống lũ lụt, người NTTS còn cần thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh trong mùa mưa bão, lũ, lụt, như bổ sung vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng. Trước mỗi cơn mưa lớn người nuôi chủ động sử dụng vôi bột tạt quanh ao nuôi để ổn định pH và các yếu tố môi trường khác trong ao nuôi.
Chủ động xử lý môi trường nước bằng vôi bột với lượng 2-3 kg/100m3 nước ao hoặc một số hóa chất được phép sử dụng trong nuôi thủy sản (như TCCA, BKC, Chlorine,...) theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng nước ao nuôi, phòng bệnh cho thủy sản nuôi. Hạn chế cho ăn khi có mưa bão để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.
Rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản; hóa chất xử lý môi trường,... để phục vụ công tác phục hồi sản xuất thủy sản sau ngập úng. Hướng dẫn người nuôi thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương mùa bão năm 2019 đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, từ nay đến cuối năm có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Tuy số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông thấp hơn so với trung bình nhiều năm nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp.
Ảnh hưởng của những cơn bão mạnh kết hợp với mưa lớn xảy ra, sẽ gây ra lũ, ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng, tập trung ở những vùng phân lũ, chậm lũ, vùng trũng khó thoát nước tại một số huyện như: Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ...