Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chưa hết lo với nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những vấn đề được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo trong năm 2020. Tuy nhiên, kết quả giám sát trong năm qua cho thấy, nguy cơ mất ATTP vẫn tiềm ẩn.

Trong năm 2020, các đơn vị chức năng ngành NN&PTNT Hà Nội đã lấy 1.663 mẫu giám sát chỉ tiêu ATTP sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản. Kết quả phân tích cho thấy, có 1.566/1.663 (chiếm 94,2% tổng số mẫu) đạt yêu cầu về ATTP; còn lại 97/1.663 (chiếm 5,8%) mẫu vi phạm các chỉ tiêu ATTP.
Cụ thể, nhóm rau, trái cây tươi: 3 mẫu có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (Cypermethrin, Permethrin) chiếm 0,6%. Đối với nhóm thịt gia súc, gia cầm (thịt lợn, thịt gà): 17 mẫu nhiễm vi sinh Salmonella chiếm 4,2%; 1 mẫu có dư lượng kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi (Chloramphenicol) chiếm 0,3%.
Đoàn kiểm tra Sở NN&PTNT Hà Nội giám sát ATTP tại một cơ sở
Nhóm thủy sản nước ngọt, có 21 mẫu có hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản (Enrofloxacin, Leucomalachite green, Enrofloxacin, Malachite green) chiếm 10,4%. Đối với sản phẩm chế biến từ thịt: 24 mẫu có phụ gia thực phẩm (chất bảo quản) không đúng đối tượng thực phẩm (Acid benzoic, Natri ben zoat) chiếm 21,4%.
Sản phẩm chế biến từ thủy sản có 13 mẫu vi phạm, trong đó: 9 mẫu có hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản (Enrofloxacin, Leucomalachite green, Enrofloxacin, Malachite green) chiếm 23,1%; 6 mẫu có phụ gia thực phẩm (chất bảo quản) không đúng đối tượng thực phẩm (Acid benzoic, Natri ben zoat) chiếm 15,4% (Có 3 mẫu vừa có kháng sinh cấm, vừa có chất bảo quản không đúng đối tượng).
Đối với sản phẩm chế biến từ rau: 4 mẫu có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (Cypermethrin, Permethrin) chiếm 6,9%; 2 mẫu có phụ gia thực phẩm (chất bảo quản) không đúng đối tượng thực phẩm (Acid benzoic, Natri ben zoat) chiếm 3,4%. Ngoài ra, sản phẩm nước mắm: 2 mẫu có Nitơ tổng thấp hơn nhãn hàng hóa chiếm 10%.
Xác định ATTP vẫn sẽ là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, trong năm 2021, ngành NN&PTNT Hà Nội sẽ tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm sản và thủy sản trên diện rộng, phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về chất lượng, ATTP.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin trên, trong năm 2021, ngành tiếp tục thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã trên toàn TP. Tăng cường công tác quản lý trong công tác kiểm tra tự công bố sản phẩm lĩnh vực ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sự giám sát, hậu kiểm của người tiêu dùng. Duy trì và phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng ATTP...